70 năm giải phóng Thủ đô

Biến thể Delta lây lan “chóng mặt”, thách thức cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian ngắn có dấu hiệu hạ nhiệt, đại dịch Covid-19 hiện đang tái bùng phát với sự lây lan “chóng mặt” của biến thể Delta tại hàng loạt quốc gia, từ châu Á tới Tây Âu và Bắc Mỹ.

Biến thể Delta càn quét khắp thế giới
Lây lan với tốc độ chóng mặt tại châu Á, sự bùng phát của biến thể Delta (lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ cuối năm 2020), đang làm chao đảo nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và quay lại trạng thái bình thường của những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ và Israel. 
Theo WHO, biến thể Delta trở thành chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến nhất trên toàn cầu hiện nay. Ảnh: Reuters
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 30/7 đã cảnh báo, thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống Covid-19 do sự lây lan của biến thể Delta. Theo WHO, biến thể Delta đã được phát hiện tại 135 quốc gia/vùng lãnh thổ, trở thành chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến nhất trên toàn cầu hiện nay.
Các nghiên cứu tại Canada và Scotland đã chỉ ra rằng những bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến thể Delta có nhiều khả năng phải nhập viện hơn những người nhiễm biến thể Alpha hoặc chủng gốc.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến tối 15/8, toàn thế giới ghi nhận hơn 207,7 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,3 triệu người không qua khỏi.
Tại Mỹ, nước có số ca mắc Covid-19 và tử vong cao nhất thế giới, biến thể Delta chiếm khoảng 88% các ca mắc mới. Đặc biệt, số ca mắc chủng Delta mà chưa tiêm chủng vaccine chiếm gần 97% các ca nặng. Biến thể nguy hiểm này khiến số người mắc Covid-19 tại Mỹ tăng đột biến với mức trung bình 100.000 ca trong nhiều ngày liên tiếp.
Trong khi đó, Israel - một trong số những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm ngừa vaccine Covid-19, cũng đang phải đối mặt với làn sóng lây lan mới, buộc chính phủ nước này phải áp đặt trở lại một loạt biện pháp hạn chế y tế. Ngày 15/8, Bộ Y tế Isarel cho biết, số bệnh nhân Covid-19 với các biến chứng nặng tại nước này đã vượt mức 500 ca, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021 trong khi làn sóng dịch mới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tại châu Á, tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Các chuyên gia y tế Nhật Bản cảnh báo quốc gia Đông Á này đang đối mặt với "thảm họa" Covid-19, đồng thời kêu gọi chính phủ thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát đợt lây lan nghiêm trọng nhất của virus SARS-CoV-2. Số trường hợp mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại thủ đô Tokyo đã tăng lên mức 4.263 ca/ngày, tăng 5,6% so với tuần trước đó và biến thể Delta hiện chiếm 95% tổng số ca bệnh ở Tokyo. Chính quyền Nhật Bản đang đối mặt với sức ép trong việc mở rộng tình trạng khẩn cấp hiện đang được áp dụng tại Tokyo, Osaka và nhiều tỉnh, thành khác.
Trong khi đó, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Đông Nam Á. Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới tối 15/8, các nước thuộc ASEAN ghi nhận thêm 91.000 ca nhiễm Covid-19 và 2.523 người tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên hơn 8,7 triệu và gần 189.000 ca tử vong.
Theo số liệu của Bộ Y tế Thái Lan, nước này có thêm 21.882 ca mắc Covid-19, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 907.157 ca. Ngoài ra, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 209 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên con số 7.552.
Nhằm ngăn chặn làn sóng tái bùng phát dịch mới, chính quyền thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác đã thực hiện lệnh phong tỏa một phần, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm, hạn chế di chuyển và đóng cửa các trung tâm thương mại. Theo kế hoạch, Chính phủ Thái Lan sẽ nhóm họp trong ngày 16/8 nhằm đánh giá tình hình dịch tễ và xem xét gia hạn các biện pháp phòng dịch đến cuối tháng 8 này. 
Thách thức ngưỡng miễn dịch cộng đồng
Bên cạnh có độc lực cao hơn, một trong những đặc tính của biến thể Delta so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 là có khả năng lan truyền mạnh hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Delta có khả năng lây truyền tương tự như bệnh thủy đậu và khả năng lây lan cao gấp đôi so với các biến thể trước đó.
CDC cho biết biến thể Delta có khả năng lây truyền tương tự như bệnh thủy đậu và khả năng lây lan cao gấp đôi so với các biến thể trước đó. Ảnh: AP
Với mức độ lây nhiễm của biến chủng Delta, ngày càng nhiều chuyên gia cho rằng các nước rất khó đạt miễn dịch cộng đồng, ít nhất trong ngắn hạn.Theo hầu hết nhà dịch tễ học, miễn dịch cộng đồng là mức độ miễn dịch cần thiết trong một quốc gia để virus không còn có thể lây lan rộng rãi. Ngưỡng này được tính toán dựa trên hệ số lây nhiễm cơ bản (R0), giúp xác định một ca nhiễm virus có thể lây cho trung bình bao nhiêu người.
Về lý thuyết, miễn dịch cộng đồng sẽ đạt được nếu hệ số R0 giảm xuống dưới 1, tức là trung bình một ca nhiễm sẽ lây cho dưới một người khác. Khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), hệ số R0 được ước tính nằm trong khoảng 2 - 3, tức là cần giảm 60 - 70% để xuống dưới 1. Như vậy, trong trường hợp có một loại vaccine Covid-19 đạt hiệu quả 100%, cần tiêm chủng cho 60 - 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.
Allen Cheng, cựu Phó giám đốc y tế bang Victoria ở Australia, ước tính hệ số R0 của biến chủng Delta là khoảng 5, trong khi CDC đưa ra mức 5 - 9, gần bằng bệnh thủy đậu.
Bên cạnh đó, các vaccine cũng không đạt hiệu quả 100% trước virus SARS-CoV-2. Tại Israel, tỷ lệ hiệu quả của vaccine Pfizer là 81%. Con số này tại Anh đối với vaccine Pfizer và AstraZeneca lần lượt là 88% và 67%, trong khi tại Canada là 72% và 56%.
Giáo sư Peter Doherty, người đoạt giải Nobel Y học năm 1996, giải thích rằng điều này là do vaccine được tiêm vào tay, nhưng để chống lây nhiễm Covid-19, kháng thể cần được duy trì ở mũi. "Kháng thể nhờ vaccine sẽ giúp ngăn chặn virus lây lan có hệ thống trong cơ thể, nhưng rất khó để giữ kháng thể ở mũi. Bạn cũng không thể duy trì mức độ kháng thể cao ở mũi bằng loại vaccine tiêm vào tay" - Giáo sư Doherty cho biết.
Giáo sư Fiona Russell - chuyên gia hàng đầu về vaccine tại Đại học Melbourne của Australia, cho rằng những điều này có thể khiến viễn cảnh đạt miễn dịch cộng đồng ngày càng trở nên xa vời. "Trong tương lai, việc xóa sổ virus là không thể. Đó thực sự là điều bất khả thi", Giáo sư Russell nhận định.
Cũng có đánh giá tương tự, nhà virus học Greg Dore của Viện Kirby cho biết: "Khả năng miễn dịch cộng đồng gần như không thể đạt được do sự xuất hiện của biến thể Delta, ngay cả khi chúng tôi cố gắng tiêm ngừa cho 90% những người từ 16 tuổi trở lên”.
Làm thế nào để ngăn chặn?
Các nhà khoa học hiện nay vẫn khẳng định vaccine là phương pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus SARS-CoV-2, dù các biến thể mới liên tục xuất hiện, kéo theo mối lo lắng về nguy cơ lây nhiễm tăng cao. Trung bình mỗi tháng, virus này xuất hiện khoảng 2 đột biến mới, trong đó các biến chủng đáng lo ngại còn tiến triển nhanh hơn.
Akira Nishizono - Giáo sư vi sinh vật tại khoa Y của trường Đại học Oita Nhật Bản, cho rằng việc tiêm vaccine, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác là những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn dịch Covid-19.
“Sự gia tăng của các biến thể mới làm dấy lên lo ngại rằng virus SARS-CoV-2 có thể "đánh bật" vaccine, nhưng tiêm phòng vẫn là chìa khóa để đánh bại biến thể chủng Delta”- Giáo sư Nishizono nói.
Theo giới chức y tế Anh, vaccine Covid-19 của Pfizer và AstraZeneca đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn tình trạng phải nhập viện với các ca nhiễm biến chủng Delta. Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết, hiệu quả của vaccine Pfizer và AstraZeneca trong ngăn chặn nguy cơ nhập viện với bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến chủng Delta lần lượt là 96% và 92% sau khi tiêm đủ 2 mũi.    
Các chuyên gia y tế thế giới nhận định rằng cần phải tiêm đủ 2 mũi vaccine để nâng cao hiệu quả ngăn chặn biến thể Delta, tăng độ che phủ của vaccine trên quy mô dân số để giảm số ca mắc và giảm nguy cơ virus tiếp tục đột biến. Bên cạnh đó, việc người dân tuân thủ nghiêm các khuyến cáo phòng, chống dịch của chính quyền.   
Tại Mỹ, CDC gần đây đã cập nhật khuyến cáo y tế, theo đó người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn cần đeo khẩu trang khi tham dự các sự kiện trong nhà. Trước nguy cơ từ biến chủng Delta, Mỹ, Đức và Israel đã có kế hoạch tiêm liều vaccine thứ 3 bổ sung cho những người đã tiêm đủ 2 liều.
Tại Việt Nam, biến thể Delta đang gây ra làn sóng lây lan trên diện rộng tại các tỉnh/TP phía Nam và TP Hồ Chí Minh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Do đó, việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này.
Với sự xuất hiện của biến thể Delta, và có thể cả các biến chủng khác của virus SARS-CoV-2 trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống đại dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Người dân cần tiếp tục thực hành thông điệp 5K phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”.

Truyền cảm hứng trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có văn bản gửi tới Sở TT&TT các tỉnh, TP, cơ quan báo chí và tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội trên mạng, về việc triển khai các nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, các đơn vị cần có hình thức tuyên truyền sinh động về thông điệp 5K bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng miền; Cập nhật các hướng dẫn, quy định của ngành y tế, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, tập trung về các nội dung liên quan đến việc tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội; tuân thủ hướng dẫn, cập nhật các quy định về cách ly y tế F0, F1...; Hướng dẫn thông tin tiêm vắc xin phòng Covid-19 và lợi ích của việc tiêm chủng; Hướng dẫn, cảnh báo các hành vi, thói quen, kỹ năng an toàn và mất an toàn bằng nhiều hình thức sinh động, dễ hiểu, dễ lan tỏa, dễ áp dụng để mỗi người, mỗi gia đình hiểu biết thực sự đầy đủ về những biện pháp tự bảo vệ an toàn trong mùa dịch, trong vùng có dịch.

Bên cạnh đó, cập nhật thông tin liên tục, kịp thời, chính xác từ nguồn tin chính thống của Bộ Y tế, ngành y tế, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn. Chấn chỉnh tình trạng thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, đăng tải những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí. Chủ động phát hiện và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên các phương tiện, không gian truyền thông.

Tăng cường thông tin truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh; Nhân rộng cách làm hay, mô hình phòng, chống hiệu quả. Đặc biệt là phản ánh nỗ lực của hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, lực lượng tuyến đầu chống dịch chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Các Đài Phát thanh - Truyền hình tăng cường tần suất phát sóng các chương trình, chuyên mục giáo dục, phổ biến kiến thức bảo vệ sức khỏe tối thiểu 03 lần/ngày, lựa chọn phát sóng vào khung giờ, thời điểm có nhiều người nghe, người xem; đẩy mạnh sản xuất các chương trình giải trí, thông qua đó lồng ghép tuyên truyền về thông điệp 5K, hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho người dân...

Các cơ quan báo chí in và điện tử cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục, dành vị trí dễ tiếp cận và thể hiện nội dung thông tin sinh động, đa chiều, sáng tạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.