Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến thể Omicron “phủ sóng” toàn cầu, chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ chứng kiến một phiên bán tháo trên diện rộng trong phiên đầu tuần khi nỗi lo dịch Covid-19 tiếp tục đeo bám nhà đầu tư.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 20/12 khi nỗi lo biến thể Omicron đang lan nhanh tại Mỹ và châu Âu phủ bóng thị trường.
 Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 400 điểm khi đóng cửa phiên ngày 20/12

Chốt phiến giao dịch ngày 20/12, chỉ số Dow Jones sụt 433,28 điểm, tương đương 1,23%, xuống còn 34.932,16 điểm, chịu áp lực bởi đà lao dốc của các cổ phiếu Boeing, Goldman Sachs và American Express. Chỉ số S&P 500 giảm 1,1% về mức 4.568,02 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cũng hạ 1,2% còn 14.980,94 điểm. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm gần 1,6%.
Chỉ số S&P 500 đã mất tổng cộng 3,01% trong 3 phiên vừa qua, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong 3 phiên kể từ tháng 9/2021. Nasdaq Composite cũng mất 3,76% trong 3 phiên vừa qua, đánh dấu 3 phiên giao dịch tồi tệ nhất từ tháng 5/2021.
Biến thể Omicron đang hoành hành trên khắp thế giới trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới đang đến gần. Cuối tuần trước, Mỹ ghi nhận 156.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, theo số liệu của Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ. 
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đã được phát hiện ở 43 trong tổng số 50 bang của Mỹ và khoảng 90 quốc gia trên toàn cầu. Số ca nhiễm Covid-19 tăng gấp đôi trong vòng 1,5-3 ngày ở những nơi xảy ra lây nhiễm cộng đồng, theo WHO.
Tại châu Âu, Hà Lan đã bắt đầu áp lệnh phong tỏa từ ngày Chủ nhật. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đang tính đến khả năng tái áp đặt biện pháp phong tỏa trước thềm lễ Giáng sinh và đón năm mới để chặn đà lây lan của biến thể Omicron.
Cổ phiếu Caterpillar, Boeing và General Electric cùng giảm điểm vào ngày thứ Hai. Boeing mất 2,2%, còn cổ phiếu Caterpillar và General Electric lần lượt giảm 2,9% và 1,5%.
Nhóm cổ phiếu liên quan đến việc tái mở cửa kinh tế là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong phiên giao dịch đầu tuần. Cổ phiếu Las Vegas Sands lao dốc 3,6%. Cổ phiếu Alaska Air Group và Southwest lần lượt hạ 1,4% và 0,7%. Cổ phiếu Darden Restaurants cũng giảm 1,3%.
Nhóm cổ phiếu năng lượng đồng loạt đi xuống khi giá dầu lao dốc. Cổ phiếu Devon Energy giảm 2,4% và cổ phiếu Exxon Mobil sụt 1,5%.
Nhóm cổ phiếu tài chính cũng suy yếu trong phiên này khi cổ phiếu Goldman Sachs mất 2,6% và cổ phiếu Wells Fargo giảm gần 2,3%. Cổ phiếu JPMorrgan và Bank of America cũng lần lượt hạ 1,8% và 1,6%.
Ông Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Leuthold Group, nói rằng việc sàn Phố Wall lao dốc "phản ánh những bất định xoay quanh ba vấn đề lớn gồm: thứ nhất, liệu biến thể Omicron có dẫn tới phong tỏa kinh tế lần nữa không; thứ hai, kế hoạch kích thích tài khóa của Tổng thống Joe Biden bất ngờ gặp trở ngại, và thứ ba là chỉ số S&P 500 cắt xuống dưới đường bình quân trượt 50 ngày".
Về thông tin chính trị, Thượng nghị sĩ Joe Manchin thuộc đảng Dân chủ cho biết ông sẽ không ủng hộ kế hoạch “Xây dựng lại Tốt hơn” của chính quyền Tổng thống Biden. Quyết định của ông Manchin sẽ phá vỡ kế hoạch thông qua gói kích thích trị giá 1,75 ngàn tỷ USD này.
Goldman Sachs ngay lập tức hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sau thông tin trên, giảm dự báo tăng trưởng trong quý I/2022 từ 3% xuống 2%. Dự báo GDP quý II và quý III cũng bị điều chỉnh xuống.
"Sau tuyên bố của ông Manchin, khả năng dự luật được thông qua rõ ràng đã giảm, vì vậy chúng tôi sẽ loại bỏ giả định về gói kích thích kinh tế trị giá 1,75 ngàn tỷ USD khỏi mô hình dự báo", ông Jan Hatzius- nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs cho hay.
Tuần trước, Nasdaq Composite lao dốc mạnh nhất khi sụt gần 3%, Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 1,7% và 1,9%. Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall giảm mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ sớm thu hẹp chương trình thu mua tài sản và có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022./.