Mặc dù bất bình ở mỗi nơi khác nhau, tình trạng bất ổn đang đồng loạt xảy ra ở Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Đức, đã bộc lộ những căng thẳng về tác động đối với nông nghiệp trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), cũng như việc mở cửa cho hàng nhập khẩu giá rẻ của Ukraine để hỗ trợ Kiev trong chiến tranh.
Nông dân trên khắp châu Âu đã phản ứng về việc bị “bóp nghẹt” bởi các quy định xanh, thuế, chi phí tăng cao và sự cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài. Sự thất vọng lên đến đỉnh điểm ở Brussels vào đầu ngày 1/2, khi nông dân ném trứng và đá vào Nghị viện châu Âu, đồng thời đốt lửa và đốt pháo hoa, yêu cầu các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh gần đó làm nhiều hơn để giúp đỡ họ.
Ở Pháp, nông dân đã tăng cường biểu tình bằng máy kéo kể từ thứ Hai sau hơn 2 tuần biểu tình. Cảnh giác với tình trạng leo thang tiếp theo, Chính phủ Paris hôm 1/2 hứa sẽ hỗ trợ nhiều biện pháp hơn, bao gồm cả việc kiểm soát nhập khẩu tốt hơn.
Tại Brussels, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo - người giữ chức chủ tịch luân phiên của EU - đã dự kiến gặp nhóm vận động hành lang COPA-COGECA của nông dân châu Âu sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo liên minh. Bà Von der Leyen cho biết, EC sẽ làm việc với Bỉ về đề xuất giảm bớt gánh nặng hành chính cho nông dân.
Ở Bồ Đào Nha, nông dân đã dùng máy kéo để chặn ít nhất 3 con đường nối đất nước này với Tây Ban Nha. Hàng trăm nông dân Hy Lạp thì treo cờ đen để tượng trưng cho điều mà họ gọi là "cái chết của ngành nông nghiệp", đồng thời cũng đã lái máy kéo của họ băng qua trung tâm thành phố lớn thứ hai đất nước là Thessaloniki.
Tại một cuộc biểu tình ở Italia, một chiếc máy kéo trong đoàn đã mang tấm biển ghi: "Tương lai của chúng ta đang bị phá hủy". Trong khi đó, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất của Bỉ, Colruyt, hôm 1/2 cho biết 3 trung tâm phân phối của họ đã bị phong tỏa do nông dân biểu tình, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Truyền thông Bỉ đưa tin, 1.400 xe tải mắc kẹt tại cảng Zeebrugge do bị nông dân chặn lại. Tại Pháp, Eric Hemar, người đứng đầu liên đoàn các nhà tuyển dụng vận tải và hậu cần, cho biết sự chậm trễ đã khiến các công ty vận tải thiệt hại khoảng 30% doanh thu của họ trong 10 ngày qua.