Bình đẳng giúp doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao của doanh nghiệp cho rằng, hòa nhập và bình đẳng giới trong việc vực dậy củng cố nguồn lực lao động góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.

Sự bùng phát và kéo dài của đại dịch Covid-19 trong suốt năm 2021 và đầu năm 2022 đã gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề cho lực lượng lao động ở các khu vực kinh tế. Đơn cử, sự sụt giảm trong số lượng lao động, những vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng như sự gia tăng áp lực trong gia đình và trong công việc của người lao động...

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện.
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện.

Ở thời điểm hiện tại, việc giải quyết hậu quả của những tổn thương này trở thành nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp nhằm củng cố sức mạnh nguồn lực và phục hồi hoạt động kinh doanh.

Để làm rõ vấn đề, Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp “Vực dậy nguồn lực lao động trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 - Xây dựng nơi làm việc hòa nhập” do Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp với Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ góp phần thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc, từ đó giúp cải thiện tăng trưởng, tăng khả năng cạnh tranh và sự sẵn sàng cho tương lai của các doanh nghiệp. Một nơi làm việc tích cực tuyển dụng, thúc đẩy và khuyến khích phụ nữ phát triển sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, và diễn đàn ngày hôm nay thảo luận về những cách thiết thực mà các doanh nghiệp có thể thực hiện điều này”.

Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ EVN Võ Quang Lâm.
Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ EVN Võ Quang Lâm.

Bà Kathy Mulville - Giám đốc hợp phần Hợp tác Doanh nghiệp của dự án Investing in Women (Đầu tư cho sự phát triển của phụ nữ - IW) – một sáng kiến của Chính phủ Australia – đã chia sẻ những phát hiện chính từ cuộc khảo sát về tác động của Covid-19 đối với người lao động khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam do IW và VBCWE thực hiện vào tháng 2/2022.

Theo kết quả khảo sát, người lao động đã và đang trải qua nhiều yếu tố căng thẳng đan xen, liên quan đến sự bấp bênh về tài chính, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, và trách nhiệm chăm sóc. Những vấn đề này, nếu không được quan tâm giải quyết thỏa đáng bởi doanh nghiệp, có thể dẫn đến sự sụt giảm trong năng suất và khiến người lao động, đặc biệt là nữ giới, phải xem xét giảm thời gian làm việc.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, chế độ làm việc tại nhà và công việc linh hoạt rất được yêu thích nếu công ty có đưa ra chính sách này. Do đó, bà Mulville nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần đa dạng hóa sự hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động, cũng như cần thu thập và phân tích dữ liệu để nắm được thực trạng áp dụng các hỗ trợ này và có sự điều chỉnh khi cần thiết.

Tôn vinh các doanh nghiệp.
Tôn vinh các doanh nghiệp.

Với vai trò Chủ tịch VBCWE, theo bà Hà Thu Thanh, vực dậy nguồn lực lao động sau khủng hoảng Covid-19 đòi hỏi tư duy và hành động tiên phong của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tạo dựng được một nền tảng văn hóa đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt giới tính, vùng miền, là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì và đảm bảo người lao động cảm thấy an vui, an toàn nguồn lực lao động một cách bền vững.

Các lãnh đạo cấp cao đến từ Tổng Công ty May 10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty PNJ, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang đều đánh giá cao tầm quan trọng của việc đảm bảo các giá trị bình đẳng, đa dạng, nhân văn và bao trùm tại nơi làm việc sẽ giúp doanh nghiệp tự tin trong các chiến lược kinh doanh và mục tiêu phát triển.

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ: Trong quá trình hoạt động, PNJ coi người lao động là tài sản quý giá, văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của sự phát triển, làm sao để giúp cho người lao động có cuộc sống hạnh phúc hơn, đó là nguyên tắc PNJ hướng đến. Vì thế, dù doanh nghiệp phải đóng cửa 4 tháng nhưng không một người lao động rời PNJ.

Là một doanh nghiệp chú trọng đến công tác bình đẳng giới, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ EVN Võ Quang Lâm cho biết, trong kết quả sản xuất kinh doanh của EVN năm 2021 có sự đóng góp tích cực và nỗ lực của 20,6% lao động nữ. EVN đã xây dựng hành trình thúc đẩy bình đẳng giới ở hai giai đoạn, trong đó ở giai đoạn 1 từ năm 2016 – 2020 thì tỷ lệ lao động nữ tại EVN vẫn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật, tỷ lệ nữ quản lý ở các cấp cũng vậy.

Do đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, EVN đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nữ cán bộ công nhân viên lao động thêm ít nhất 2%; xây dựng tỷ lệ quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ tại các đơn vị; triển khai thêm các chương trình đào tạo chuyên môn và chương trình cố vấn cho nữ nhân viên. “Đây sẽ là cơ hội để nữ nhân viên đóng góp thêm cho EVN, có thể cạnh tranh các vị trí trong lĩnh vực kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi khi có thêm các chương trình giáo dục, đào tạo. Việc ra quyết định sẽ tốt hơn với cách nhìn đa chiều hơn, hiệu quả cao hơn” - ông Võ Quang Lâm nhìn nhận.  

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang cho rằng, tạo môi trường bình đẳng, linh hoạt và gắn kết đảm bảo an toàn và phát huy sự sáng tạo của người lao động là những yếu tố cốt lõi để củng cố nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp. Đây vừa là giá trị nền tảng, vừa là động lực phát triển của cả doanh nghiệp và người lao động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần