Bình Điền và mô hình “Canh tác lúa thông minh”

Quang Minh - Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 50 năm hình thành, phát triển, đến nay Công ty CP Phân bón Bình Điền là đơn vị dẫn đầu của ngành sản xuất phân bón trong nước về năng suất, chất lượng, với thương hiệu quen thuộc phân bón Đầu Trâu.

Năm 2016, Bình Điền đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức chương trình "Canh tác lúa thông minh" thích ứng với biến đổi khí hậu đến nay ngày càng chứng tỏ hiệu quả của nó.

Nông dân khẳng định hiệu quả của phân Đầu Trâu Mặn Phèn

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vụ Đông - Xuân 2021 - 2022 và vụ Hè - Thu 2022, phân bón Bình Điền luôn được người nông dân tin tưởng do có hàm lượng kỹ thuật cao, giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận khoảng 300kg thóc/ha/vụ, lợi nhuận tăng 5,3 triệu đồng/ha.

Một trong 24 mô hình “Canh tác lúa thông minh” được thực hiện tại tỉnh Long An.
Một trong 24 mô hình “Canh tác lúa thông minh” được thực hiện tại tỉnh Long An.

Để có được sự tin tưởng này là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng ĐBSCL của lãnh đạo, CBCNV Công ty CP Phân bón Bình Điền.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Chương trình “Canh tác lúa thông minh” kết hợp sử dụng phân bón Đầu Trâu được thực hiện tại 24 điểm mô hình trải khắp 13 tỉnh ĐBSCL, mỗi điểm mô hình có 4 hộ sản xuất (0,5 ha/hộ).

Sau quá trình thực hiện mô hình “Canh tác lúa thông minh”, cho thấy năng suất tăng 900kg thóc/ha so với đối chứng (tăng 300kg thóc/ha so với cùng vụ năm 2021), lợi nhuận tăng 5,3 triệu đồng/ha so với đối chứng (năm 2021 chỉ tăng 3,8 triệu đồng). Cá biệt có mô hình lợi nhuận tăng gần 10 triệu đồng/ha.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, sạ thưa cây lúa to, khỏe, cứng, lá to, đứng thẳng, luôn đón được nhiều ánh sáng mặt trời, cho bông lúa to, nhiều hạt và hạt chắc. Cây lúa to, cứng sẽ giảm được lượng bón phân, chống chịu tốt với sâu hại nên giảm được số lần xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Lượng phân bón, nhất là phân Ure giảm trung bình từ 50 - 70kg/ha.

Số lần phun thuốc BVTV giảm từ 1 - 3 lần so với đối chứng. Kỹ thuật tưới nước ướt khô xen kẽ không những giúp giảm chi phí bơm nước, còn giúp rễ cây lúa ăn sâu, vừa lấy được nhiều dinh dưỡng từ đất, vừa không bị đổ ngã, tiết giảm chi phí máy gặt…

Còn PGS.TS Mai Thành Phụng - Phó trưởng Ban tư vấn chương trình “Canh tác lúa thông minh”, cho biết xuyên suốt toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây lúa, người nông dân đều sử dụng bộ sản phẩm phân bón Đầu Trâu.

Đáng chú ý là sử dụng phân bón lót Đầu Trâu Mặn Phèn, đây là loại phân bón lót giúp kích hoạt hệ vi sinh vật trong đất, cân bằng độ pH (trung tính), khắc chế tác hại của mặn và phèn đầu vụ, làm cho rễ cây lúa mọc nhanh và dài, giúp đẻ nhánh sớm.

Rễ mọc dài là cơ sở chống đổ ngã khi lúa trưởng thành và cũng là cơ sở tiết giảm phân bón về sau. Đồng đất toàn vùng rất nhiều nơi bị phèn và mặn, sử dụng phân bón lót Đầu Trâu Mặn Phèn sẽ cực kỳ hiệu quả cho sự phát triển của cây lúa.

Nhiều hộ nông dân tham gia chương trình, đã sử dụng loại phân bón lót Đầu Trâu Mặn Phèn của Bình Điền đều khẳng định loại phân này rất hiệu quả với cây lúa ở tuần đầu sau sạ và đây là mô hình mới với nhiều cái hay mà từ xưa tới nay người trồng lúa mới biết và áp dụng.

Khi tham gia mô hình, nông dân được tập huấn kỹ thuật nhiều đợt từ đầu đến cuối vụ bằng hình thức trực tiếp đầu bờ và online thông qua ứng dụng Zoom, kênh Youtube Bình Điền Đầu Trâu; được lấy mẫu đất để phân tích chất đất đầu vụ. Ngoài ra, các nhà khoa học nông nghiệp và cán bộ Công ty CP Phân bón Bình Điền đã tới từng điểm tập huấn để lắng nghe ý kiến của nông dân, xem cây lúa tận ruộng. Chương trình trang bị bút thử độ mặn cho nông dân, lắp đặt trạm quan trắc nước mặn, đo độ pH nước.

Đặc biệt, khi tham gia chương trình, người nông dân còn tiếp cận được loại phân bón hiệu quả sử dụng trên vùng đất mặn, phèn phù hợp; tiếp cận được phương pháp sạ cụm, giúp giảm giống triệt để và dễ thực hiện. Việc tiết giảm chi phí đầu vào có ý nghĩa hết sức quan trọng làm tăng lợi nhuận cho nông dân, nhất là trong tình hình phân bón và vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao hiện nay.

Đặt lợi ích nông dân trên hết

Những năm qua Công ty CP Phân bón Bình Điền luôn kết hợp với các nhà khoa học của các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm khuyến nông các tỉnh trên cả nước…, nghiên cứu không ngừng nghỉ để sản xuất ra những sản phẩm không những có chất lượng cao, đem lại lợi ích cho nhà nông mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Những dòng sản phẩm như NPK Đầu trâu +Agrotain đã giúp bà con nông dân tiết kiệm lượng bón từ 25 - 30% (trong khi giá thành chỉ cao hơn phân UREA là 10%) và sản phẩm phân bón Đầu Trâu 46P+ giúp giảm lượng bón từ 40-50% so với DAP, giúp nhà nông tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đến nay, Công ty CP Phân bón Bình Điền có hơn 100 loại sản phẩm phù hợp với từng loại đất đai, chuyên dùng cho từng loại cây trồng như: Chuyên dùng cho cây lúa, cà phê, cao su, mía, cây ăn trái, điều, rau - màu, chè, ngô, đậu phộng…, làm tăng năng suất và chất lượng nông sản. Để tăng chu kỳ sống của sản phẩm, các sản phẩm của Công ty Bình Điền ngày càng được bổ sung về hàm lượng kỹ thuật để người nông dân khi sử dụng các sản phẩm của Bình Điền luôn đạt hiệu quả cao nhất.

Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền Ngô Văn Đông khẳng định: “Chương trình canh tác lúa thông minh được triển khai từ năm 2016, giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2022. Chương trình đã thành công cả về hiệu quả kinh tế và xã hội. Các sản phẩm phân bón của Bình Điền luôn có hàm lượng trí tuệ cao, cộng với gói kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến, bón phân khoa học, hợp lý.

Giảm lượng phân bón, tức giảm doanh số, doanh thu, nhưng vì trách nhiệm đồng hành với nhà nông, Bình Điền luôn mong muốn có nhiều nông dân được sử dụng phân bón Đầu Trâu chất lượng cao, giá thành hợp lý, giúp nông dân vượt qua thách thức để sản xuất hiệu quả. Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của nông sản cũng chính là nâng cao đời sống nông dân vì một nền nông nghiệp phát triển hiện đại và bền vững”.

 

Chúng ta đang tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh, nông dân hiện đại. Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo phải giảm hơn nữa chi phí đầu vào sản xuất, phải tăng hơn nữa năng suất cây trồng. Hiện, chương trình "Canh tác lúa thông minh" đang được hoàn thiện trên đồng ruộng của bà con nông dân tại khắp 13 tỉnh ĐBSCL. Bộ NN&PTNT đã triển khai đề án xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo và vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn trái, do đó, giải pháp canh tác thông minh chắc chắn sẽ được áp dụng rộng rãi.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần