Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình ổn giá sách giáo khoa: Giảm gánh nặng cho phụ huynh

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề giá sách giáo khoa (SGK) là chủ đề làm nóng nghị trường Quốc hội nhiều ngày qua và đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.

Quản lý giá SGK theo quy định của pháp luật về giá và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi học sinh được tiếp cận SGK với giá hợp lý là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Nhiều lý do khiến SGK tăng giá

Khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) công bố thông tin về giá SGK theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhiều phụ huynh không khỏi giật mình khi giá của bộ SGK mới tăng 2 - 3 lần so với bộ SGK cũ. Chưa dừng lại, phụ huynh thêm hoảng hốt bởi NXB GDVN cho hay, giá SGK của NXB này thấp hơn trung bình 20% so với giá SGK của các NXB khác bởi đơn vị đã tiết giảm tối đa chi phí đầu vào để có giá bán SGK phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học.

Giá sách giáo khoa tăng mạnh sẽ gây khó khăn cho nhiều gia đình có con đi học. Trong ảnh: Người dân chọn mua sách giáo khoa tại một cửa hàng trên đường Láng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Giá sách giáo khoa tăng mạnh sẽ gây khó khăn cho nhiều gia đình có con đi học. Trong ảnh: Người dân chọn mua sách giáo khoa tại một cửa hàng trên đường Láng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, hiện giá SGK được quản lý giá theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá. Theo đó, SGK thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.

Trong năm học 2022 – 2023, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện tiếp nhận kê khai giá SGK và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát, triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí (đặc biệt là một số chi phí như chi phí quản lý, quảng bá sách, lợi nhuận...) nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.

Lý giải giá sách giáo khoa bộ mới tăng cao so với các bộ sách cũ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ngoài câu chuyện số lượng bản in, còn liên quan đến cơ chế để hình thành giá. Trước đây, chi phí biên soạn, in ấn do Nhà nước cấp, nay thực hiện xã hội hóa, các nhà xuất bản bỏ tiền ra để biên soạn, in ấn, nên giá thành cao hơn.

Số đầu sách chính thức so với sách cũ không cao hơn, thậm chí tổng số sách từ Tiểu học đến THCS ít hơn 2 cuốn. Trong quá trình chưa sửa đổi Luật Giá, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành kê khai giá của các DN đối với mặt hàng này rất chặt chẽ.

Mỗi lần kê khai giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đều thẩm định kỹ lưỡng. Sau mỗi lần kê khai, giá mỗi bộ sách giảm từ 5 - 15%. Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo đơn vị chuyên môn nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn định mức kỹ thuật của sách giáo khoa. Việc này đang được thực hiện khẩn trương bởi lộ trình biên soạn SGK sắp xong.

Tích cực tìm giải pháp bình ổn giá

Là công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ có 3 con đi học, SGK trở thành nỗi lo thường trực trước thềm năm học mới của chị Hà Thị Nguyệt (trú tại huyện Chương Mỹ).

Chị Nguyệt phân trần: Sau dịch Covid- 19, việc làm còn khó khăn, giá cả lại tăng cao khiến cuộc sống của gia đình chị bí bách hơn nhiều. "Năm học sắp đến, mua 3 bộ SGK cho con là hết cả tháng lương của mẹ. Nếu SGK được bình ổn giá thì những gia đình lao động như chúng tôi sẽ bớt đi gánh nặng" - chị Nguyệt chia sẻ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ: Ở nước ta có hàng chục triệu gia đình có con em đi học và sử dụng SGK, kéo theo chi phí dành cho SGK là rất lớn. Việc SGK tăng giá gây làn sóng trong dư luận bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều gia đình. Vì lẽ đó, SGK phải giữ giá ổn định, phù hợp với túi tiền của đa số người dân, trong đó có người thu nhập thấp.

“Tôi mong rằng, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có riêng một bộ SGK. Bộ sách này có thể mua lại của một NXB với giá bản quyền xứng đáng. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ toàn quyền quản lý, sử dụng bộ SGK đó. Lúc này, việc điều chỉnh giá SGK sẽ thuộc quyền của Bộ GD&ĐT, của Nhà nước, thay vì quyền đó thuộc về các NXB tư nhân như hiện nay”- GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, với mong muốn học sinh luôn được mua SGK với giá thấp nhất, Bộ đang triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa giá thành SGK ở mức hợp lý, thuận tiện nhất cho người học.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các NXB thực hiện nghiêm các biện pháp để sách xuất bản có thể dùng lại nhiều lần và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình phải phù hợp với tiêu chuẩn SGK về xuất bản phẩm. Quá trình thẩm định sách, các Hội đồng thẩm định yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh những phần quá dài hay lạm dụng hình ảnh…

Bộ GD&ĐT đã nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo NXB Giáo dục cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác để đảm bảo giá SGK được thấp nhất.

Bộ cũng chỉ đạo NXB thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về cung cấp SGK cho các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng và đã chỉ đạo NXB Giáo dục cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu NXB theo hướng tinh gọn nhân sự, bộ máy để tiết giảm tối đa khâu trung gian.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó có nội dung: “Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào” .

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng có công văn gửi Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá và sẽ kiên trì với kiến nghị này. Đồng thuận với Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và đã đưa SGK vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá, giao Bộ GD&ĐT quy định giá SGK gắn với các yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn để có giá cả hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong giáo dục đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong khi chờ Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT tiếp nhận, rà soát chặt chẽ văn bản kê khai giá theo quy định pháp luật để bình ổn giá SGK.

Về vấn đề này, chủ trì họp với các bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu chiều 13/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề cập giải pháp về giá với SGK.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật về giá, quản lý giá phù hợp tình hình thực tế để mọi học sinh được tiếp cận SGK với giá hợp lý. “SGK là hàng hóa thiết yếu, mỗi học sinh đều phải mua, do đó việc xã hội hóa biên soạn, in ấn sách cần thiết kế phù hợp, đáp ứng yêu cầu”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Tại Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT ngày 10/6/2022 Về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để SGK được sử dụng lại lâu bền. Đồng thời bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

"Bộ GD&ĐT cần có cơ chế và quyết tâm cao nhằm giải quyết tận gốc vấn đề giá SGK. Sau khi sở hữu bộ SGK, Bộ cần nhanh chóng triển khai việc chuyển đổi số toàn diện trong toàn ngành. SGK tiến tới sẽ là SGK điện tử, không cần in; ai có nhu cầu phần nào sẽ tải xuống phần đó để học và nghiên cứu. Từ đây, áp lực về giá SGK sẽ không còn nữa…." - GS.TS Phạm Tất Dong