Bình ổn thị trường Tết: Không dùng đến ngân sách

Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với thông lệ, năm nay, TP không dành vốn vay ưu đãi với lãi suất 0% để các DN chuẩn bị hàng Tết mà chỉ đứng ra kết nối DN tiêu thụ hàng hóa tới tay người dân và kết nối DN vay tín dụng ngân hàng trong việc mua hàng hóa phục vụ Tết.

Lượng lớn hàng hóa được chuẩn bị
Đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, dự kiến, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Đinh Dậu trên địa bàn TP khoảng 23.500 tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2016. Trong đó gạo 176 nghìn tấn; thịt lợn 30,6 nghìn tấn; thịt gà 12,8 nghìn tấn; thịt bò 9,2 nghìn tấn; trứng gia cầm 187,4 triệu quả; rau, củ quả: 183,4 nghìn tấn; thực phẩm chế biến 11 nghìn tấn… Mặc dù thực hiện cách làm mới tuy nhiên, các DN trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa ước tính tăng từ 10 - 15% so với các năm trước.

Người tiêu dùng mua bán hàng hóa tại siêu thị Hapro Gia Lâm.  Ảnh: Quỳnh Linh

Các đơn vị cũng chuẩn bị tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 454 chợ truyền thống và cửa hàng tiện ích; Tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ Tết tại các quận, huyện, khu công nghiệp, tổ chức 22 phiên chợ hàng Việt, 100 chuyến bán hàng lưu động về các vùng ngoại thành, khu công nghiệp trong dịp gần Tết, tổ chức 55 chợ hoa Tết trên địa bàn TP và các hội chợ đặc sản vùng miền. Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dịp Tết khó tránh khỏi sự biến động về giá cả các loại mặt hàng thiết yếu nhưng trong kế hoạch triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán năm 2017, TP sẽ cố gắng giữ giá các mặt hàng ở mức ổn định, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân.
Tăng sức lan tỏa của hàng Việt
UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các DN và siêu thị phải kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng nhập, không để hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP lọt vào các điểm bán hàng bình ổn giá.
Đến thời điểm này, nhiều DN, siêu thị trên địa bàn TP đã triển khai phục vụ hàng Tết. Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, DN đã chuẩn bị và dự trữ các mặt hàng thiết yếu như thịt bò, lợn, trứng, thủy sản… với tổng trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng, phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của Tổng Công ty. Bên cạnh đó, Hapro sẽ tổ chức 22 phiên chợ hàng Việt và 100 chuyến bán hàng lưu động. Về thời gian phục vụ, đối với các chuyến hàng lưu động tập trung bán hàng vào dịp trước Tết, phục vụ nhu cầu của công nhân tại các khu công nghiệp. Tại các hệ thống bán lẻ, tập trung bán đến 22 giờ ngày 29 Tết, ngày 30 Tết, tùy theo nhu cầu của Nhân dân, Tổng Công ty sẽ tổ chức 10 địa điểm mở cửa bán hàng xuyên qua giao thừa và mùng 1, mùng 2 Tết. Đến mùng 4 Tết, toàn bộ hệ thống cửa hàng sẽ được mở cửa bán hàng phục vụ Nhân dân. “Sở sẽ mở thêm kênh để tiếp nhận thông tin, báo cáo khu vực nào có biến động về giá bất thường để trong vòng 3 tiếng chỉ đạo điều tiết hàng hóa hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường” - lãnh đạo Sở Công Thương cho biết.
Lưu ý về thị trường nông thôn, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đánh giá, dịp Tết Nguyên đán 2017, thị trường nông thôn tiếp tục là thị trường giàu tiềm năng vì chiếm tới hơn 65% dân số, sức mua lớn. Người dân ở nông thôn vẫn thích hàng Việt và đa phần là các mặt hàng thông dụng như muối, mắm, mì chính, quần áo trẻ em, sách vở… Các DN phân phối cần có sự phân công phối hợp, bày bán các mặt hàng thế mạnh khác nhau thay vì một mặt hàng nhưng có nhiều đơn vị cung cấp. Điều này không chỉ tạo sức lan tỏa cho hàng Việt mà các DN sẽ có điều kiện phát triển hệ thống phân phối tại các huyện của TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần