Gia đình đồng bào DTTS, có công cách mạng vẫn bị nộp tiền
Sau khi phát hiện việc phải nộp tiền khi làm giấy CNQSDĐ là trái với quy định nên rất nhiều hộ dân ở xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã làm đơn yêu cầu được trả lại số tiền họ đã nộp. Tuy nhiên theo nhiều hộ dân, chính quyền không tiếp và cũng không nhận đơn của dân!
Ông Doanh Thiêm Tùy là người DTTS, sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Nhưng phải nộp 33 triệu đồng để làm giấy CNQSDD. |
Anh Doanh Thiêm Tùy (SN 1977, người dân tộc Tày, ngụ xã Đường 10) cho biết, xã Đường 10 được tách ra từ xã Đắc Nhau và Bom Bo từ năm 2009, hầu như bà con trong xã rất ít hộ có giấy CNQSDĐ. Đến năm 2012, các hộ trong xã mới được đo đạc miễn phí để xác định diện tích, ranh giới đất làm giấy CNQSDĐ. Sau đó, anh Tùy đến Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) huyện Bù Đăng để làm giấy CNQSDĐ cho 300m2 thổ cư với lệ phí 33 triệu đồng.
“Sau này thông qua một số người, tôi mới được biết đối với người đồng bào DTTS sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới…, sẽ được miễn tiền sử dụng đất”, anh Tùy nói.
Tương tự, anh Doanh Thiêm Thuyết (SN 1975, người dân tộc Tày, ngụ thôn 3, xã Đường 10) kể lại: Tôi từ Bắc Kạn vào đây lập nghiệp từ năm 1996. Sau thời gian làm kinh tế ổn định cuộc sống gia đình, vào năm 2015 tôi đến Văn phòng ĐKĐĐ huyện để làm giấy CNQSDĐ với diện tích 300m2 thổ cư và cũng bị buộc phải nộp lệ phí 33 triệu đồng.
Ngoài hộ anh Tùy, anh Thuyết còn có rất nhiều hộ đồng bào DTTS khác cũng bị nộp tiền mới được cấp giấy CNQSDĐ, như hộ Nông Văn Đại (người dân tộc Nùng, nộp phí 22 triệu đồng/200m2 thổ cư), Triệu Thanh Xuân (người dân tộc Dao, nộp phí 25 triệu đồng/200m2 thổ cư), đặc biệt gia đình ông Triệu Tiến Thượng (người dân tộc Dao) để có được giấy CNQSDĐ diện tích 100m2, phải nộp lệ phí 24 triệu đồng, dù gia đình này có công với cách mạng.
Khi được phóng viên hỏi lúc làm hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ, cán bộ có hướng dẫn được miễn - giảm tiền sử dụng đất? Hoặc có niêm yết các các quy định của pháp luật tại trụ sở UBND xã hay không? Nhiều hộ dân khẳng định không niêm yết cũng như cán bộ chỉ hướng dẫn… nộp tiền.
“Đại đa số chúng tôi do sống ở vùng sâu, vùng xa, sát biên giới nên hạn chế về pháp luật. Đáng ra cán bộ phải hướng dẫn người dân, đằng này họ chỉ biết hướng dẫn nộp tiền lệ phí mới làm giấy CNQSDĐ. Số tiền các hộ chúng tôi nộp không nhỏ, nhiều gia đình phải vay trả góp để đóng. Chỉ mong được trả lại cho chúng tôi theo quy định của pháp luật”, các hộ dân, nêu nguyện vọng.
Tiền đã thu của dân thì phải trả lại
Về vấn đề khi các quy định của pháp luật đã có hiệu lực, nhưng người dân không biết (vì không được hướng dẫn - PV) nên đã nộp tiền phí. Nay phát hiện sự việc trái khoáy, đòi lại tiền có được không? Luật sư Dương Vĩnh Tuyến - Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cho biết, tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về “Thu tiền sử dụng đất” đã quy định rất rõ đối tượng và căn cứ để Nhà nước thu tiền sử dụng đất.
Để làm giấy CNQSDĐ, đồng bào DTTS sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới..., vẫn bị nộp hàng chục triệu đồng vào năm 2018, trái với quy định của Chính phủ. |
Cụ thể, tại điều 11 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, nêu trên quy định về “Miễn tiền sử dụng đất” trong những trường hợp sau đây: “1 - Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công; hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; nhà ở cho người phải di dời do thiên tai. Việc xác định hộ nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; việc xác định hộ gia đình hoặc cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Chính phủ. 2 - Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ đối với hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo Danh mục các xã đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ quy định”.
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến cũng cho biết thêm, ngoài ra Bộ Tài Chính cũng ban hành Thông tư 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 để hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP nêu trên. Tại khoản 2 điều 13 (Miễn tiền sử dụng đất) đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS có hộ khẩu thường trú tại địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; vùng biên giới, hải đảo theo quy định của pháp luật về Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo.
Trong khi xã Đường 10 đã được Chính phủ đưa vào diện xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 46 tỉnh vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, tỉnh Bình Phước có 10 xã gồm: Phú Văn, Bù Gia Mập, Đăk Ơ (huyện Bù Gia Mập), Lộc Quang, Lộc Phú, Lộc Thành (huyện Lộc Ninh), Hưng Phước, Phước Thiện (huyện Bù Đốp), Tân Lợi (huyện Đồng Phú) và Đường 10 (huyện Bù Đăng).
“Đối chiếu các tiêu chí trên, các hộ đồng bào DTTS Tày, Nùng, Dao thuộc xã Đường 10 (huyện Bù Đăng) thuộc diện miễn tiền sử dụng đất khi làm giấy CNQSDĐ. Do đó, Nhà nước phải trả lại tiền đã thu của người dân khi họ làm giấy CNQSDĐ”, luật sư Tuyến khẳng định.
Năm 2020, xã Đường 10 mới hết “đặc biệt khó khăn” Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cảnh Thảo- Chủ tịch UBND xã Đường 10 (huyện Bù Đăng) nói: “Việc thu tiền khi làm giấy CNQSDĐ do ngành thuế làm. Đối với các văn bản pháp luật, xã có niêm yết. Còn trong năm 2020, xã Đường 10 sẽ không nằm trong diện xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Tuy nhiên, những người dân tiếp xúc với phóng viên đều khẳng định họ chưa bao giờ thấy Nghị định 45/2014/NĐ-CP nêu trên nên mới có việc bị thu tiền trái với quy định. |