70 năm giải phóng Thủ đô

Bình thường mới và làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc

Duy Chí thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, doanh nghiệp Hàn Quốc đứng ở Top các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn Việt Nam nhờ tình hình chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển có tính bền vững.

Ông Lee Dong Won, Trưởng đại diện Hiệp hội thương mại Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Lee Dong Won, Trưởng đại diện Hiệp hội thương mại Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh.

Lễ hội Văn hóa và Nội dung Hàn Quốc tại Bình Dương đang được diễn ra nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Tại lễ hội, ông Kim Dong Won - Trưởng đại diện Hiệp hội thương mại Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh đã trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị về cơ hội thương mại Việt Nam – Hàn Quốc.

Ông Lee cho biết, về phía doanh nghiệp Hàn Quốc sau nhiều năm đầu tư, sản xuất tại Việt Nam, chúng tôi rút ra được bài học về sự an tâm trong sản xuất, xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư nhà máy, nhập linh kiện, thiết bị, nguyên vật liệu vào Việt Nam sản xuất thành phẩm và xuất khẩu trở lại thị trường Hàn Quốc hoặc xuất khẩu đi các nước với chất lượng ổn định, an toàn, tạo sự tin tưởng tốt đẹp trong quan hệ thương mại, hợp tác.

Những mặt hàng, ngành nghề nào được doanh nghiệp Hàn Quốc ưa thích đầu tư vào Việt Nam và vì sao, thưa ông?

Mặt hàng thời trang, may mặc được đầu tư phát triển mạnh tại Việt Nam (Ảnh: lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm Công ty may Panko Vina KCN Mỹ Phước - Bến Cát).
Mặt hàng thời trang, may mặc được đầu tư phát triển mạnh tại Việt Nam (Ảnh: lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm Công ty may Panko Vina KCN Mỹ Phước - Bến Cát).

- Các mặt hàng vải, giày da, túi xách, dệt may, điện tử, dược, mỹ phẩm…được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn đầu tư nhiều vào Việt Nam bởi nhiều lý do như: người lao động Việt Nam rất chăm chỉ, chịu khó làm việc, hiệu quả công việc cao, dễ tuyển dụng, đào tạo...

Về phía Hiệp hội, chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư Hàn Quốc thường tập trung đầu tư nhiều vào hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Bởi vì cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp tốt, người lao động, dân cư, dịch vụ đông. Nếu như tại Đồng Nai là điểm đến của nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn thì Bình Dương là sự lựa chọn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thích nghi với điều kiện, đặc điểm, thế mạnh của mỗi tỉnh.

Ông có thể dẫn chứng một vài hình ảnh đặc trưng về sự an tâm trong quan hệ hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc những năm qua, thưa ông?

- Một trong những lĩnh vực thương mại, sản xuất, xuất nhập khẩu quan trọng nổi bật và nổi tiếng của doanh nghiệp hai nước đó là: Việt Nam nhập khẩu kinh kiện, thiết bị điện tử từ Hàn Quốc về sản xuất, lắp ráp ra thành phẩm là tivi, điện thoại, thiết bị nhà bếp, thiết bị gia dụng…rồi xuất khẩu trở lại Hàn Quốc hoặc tiếp tục xuất khẩu đi các nước với chất lượng bảo đảm, được hai bên đánh giá cao. Lĩnh vực này tiếp tục được đẩy mạnh phát triển và mở rộng sang nhiều ngành nghề khác như may mặc, túi xách, hàng thời trang…

Thị trường du lịch được ví như ngành công nghiệp không khói cũng sẽ được tính toán khai thác và phát triển, thưa ông?

- Lĩnh vực du lịch Việt Nam – Hàn Quốc có sự liên kết khai thác chặt chẽ. Hàng năm, lượng du khách từ Việt Nam đến Hàn Quốc cũng nhiều và lượng khách du lịch từ Hàn Quốc đến Việt Nam cũng chiếm gần ½ lượng khách Hàn Quốc đi du lịch đến các nước Đông Á.

Tôi có thể ví dụ để các bạn thấy, hàng ngày trên các kênh truyền hình Hàn Quốc người ta giới thiệu về Đà Nẵng - thành phố vừa có biển vừa có rừng cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và Đà Nẵng trở thành điểm đến của khách du lịch Hàn Quốc. Nếu các thành phố khác cũng làm như Đà Nẵng thì ngành du lịch của Việt Nam cũng sẽ được biết đến.

Nếu ví du lịch là ngành công nghiệp không khói thì việc đầu tư, khai thác, phát triển cũng phải ở quy mô công nghiệp nhưng phải có bản sắc cùng với tính đặc sắc vốn có của nó.

Thế giới và Việt Nam đang bước vào giai đoạn bình thường mới, mở cửa thị trường trở lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn phức tạp. Ông có thể đưa ra dự đoán và sự chuẩn bị gì để các doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt cơ hội trước đà phục hồi thị trường, thưa ông?

Ông Lee Dong Won tại ngày hội Văn hóa và Nội dung Hàn Quốc 2022 đang được tổ chức tại Bình Dương.
Ông Lee Dong Won tại ngày hội Văn hóa và Nội dung Hàn Quốc 2022 đang được tổ chức tại Bình Dương.

- Giãn cách xã hội, các nước đóng cửa biên giới để chống dịch, nhưng chúng ta vẫn có thể gặp nhau, trao đổi, hội thảo trực tuyến để bàn bạc nhiều vấn đề thông qua mang xã hội, truyền thông, Internet… Các lĩnh vực dạy học trực tuyến, bán hàng trực tuyến đã chiếm lĩnh thị trường. Dù các quốc gia có đồng loạt mở cửa thị trường thì không thể một sớm, một chiều các hoạt động sẽ trở lại bình thường mà phải từng bước. Giai đoạn đầu khôi phục thị trường, chắc chắn các nhà doanh nghiệp phải sử dụng phương tiện trực tuyến là các chương trình, phần mềm. Đây vừa là cơ hội của các nhà doanh nghiệp công nghệ cũng vừa là thời cơ cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại biết tận dụng và sử dụng phương tiện này để tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm khách hàng.

Xin cảm ơn ông!