Bình tĩnh trước biến động trái phiếu

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước các sự cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, hàng loạt nhà đầu tư đã yêu cầu DN tất toán trái phiếu, trong đó có trái phiếu chưa đáo hạn.

Tâm lý lo lắng của người dân là có thể hiểu. Tuy nhiên, việc đổ xô, tập trung tất toán khối lượng lớn trái phiếu cũng khiến DN đứng trước rất nhiều khó khăn xoay xở dòng tiền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước hết phải khẳng định, trái phiếu DN (TPDN) không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua TPDN. Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định, TPDN do DN phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

“Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình” - thông tin từ Bộ Tài chính cho biết. Trong bối cảnh đó, giải quyết thế nào với trái phiếu và nhà đầu tư trái phiếu đang có nhu cầu tất toán trái phiếu trước hạn. Ngồi lại để tìm phương án và tiếng nói chung có lẽ là giải pháp cần nhất lúc này.

Với nguyên tắc TPDN phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, DN phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu, tự cân đối dòng tiền để thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.

Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của DN như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của DN; trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với DN phát hành, nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Đối với các nhà đầu tư, khi DN phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với DN và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và DN phát hành.

Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt, không cào bằng trái phiếu tốt, xấu với nhau dẫn đến những quyết định sai lầm.

Bình tĩnh tìm hiểu, có những quyết định thận trọng trên cơ sở phân tích thị trường và cùng ngồi lại để giải quyết các vấn đề là giải pháp cần nhất lúc này. Để DN có thời gian xoay xở dòng tiền, nhà đầu tư không mất lãi rút trước hạn, thanh khoản thị trường đảm bảo… rất cần sự thống nhất của các bên để đưa TPDN về trạng thái “bình thường mới”.

Đọc tiếp