Bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để không thể tham nhũng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng.

Trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Do đó, việc hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng, tiêu cực” là vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh.

Bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm tại tòa xét xử tháng 3/2021. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm tại tòa xét xử tháng 3/2021. Ảnh: TTXVN

Trong 10 năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng, tiêu cực" được chú trọng. Thống kê cho thấy, T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Cấp ủy, tổ chức đảng ở T.Ư và địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Hơn 8 triệu cuốn sách, tài liệu về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được phát hành. Hơn 722.000 lớp tập huấn, hội nghị phổ biến, quán triệt, giới thiệu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đã được tổ chức với hơn 32 triệu lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân tham dự.

Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhấn mạnh đế nhiệm vụ, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực"; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế và coi việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hóa".

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong phòng, chống tham nhũng, khi đã nhận diện ra những nhóm luật pháp đang có sơ hở, tồn tại, cần tổ chức sơ kết, rà soát để sửa đổi. Như Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã nhận định, trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Do đó, trong kiểm tra, cần yêu cầu khắc phục những tồn tại, để tránh việc có bất cứ chủ trương, chính sách nào của Nhà nước về phát triển kinh tế là lợi dụng để trục lợi. Từ hành vi nhỏ biến thành hành vi lớn, mất đi cán bộ.