Blog và bài học quản lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những năm gần đây, với sự phát triển như vũ bão của internet, blog hay các trang cá nhân trên các mạng xã hội đã trở thành trào lưu thịnh hành.

Bên cạnh những ưu điểm, không ít blogger (người viết blog) do chủ quan, sơ hở đã vô tình hoặc cố ý làm nảy sinh và phát triển các nguy cơ đối với an ninh, chính trị, xã hội. Để quản lý có hiệu quả, loại trừ những nguy cơ mà blog, trang cá nhân trên mạng xã hội mang lại, cácnước đã ban hành nhiều biện pháp kiểm soát.

Xử lý nghiêm người lợi dụng blog để kích động bạo loạn
 
Sau sự kiện "Mùa xuân Arab" diễn ra đầu năm nay tại Bắc Phi, Trung Đông, và gần đây nhất là vụ bạo loạn tại Anh hồi đầu tháng 8, các blog và trang cá nhân trên các mạng xã hội đã bộc lộ rõ mặt tích cực và tác động tiêu cực của loại hình dịch vụ này. Nửa tháng sau vụ bạo loạn tồi tệ nhất trong 25 năm qua, chiến dịch siết chặt quản lý đối với các mạng xã hội được bắt đầu với việc xử lý nghiêm những người lợi dụng blog để kích động bạo loạn.
 
Ngày 23/8, hơn 1.400 người đã phải có mặt tại tòa vì có liên quan đến vụ bạo loạn, cướp bóc, hôi của hồi đầu tháng tại London và một số địa phương khác. Theo số liệu mới nhất của Bộ Tư pháp Anh, 157 người đã bị kết án, 327 người được bảo lãnh tự do và hơn 800 người vẫn bị tạm giam. Trước đó, một tuần, Jordan Blackshaw, 21 tuổi và Perry Sutcliffe-Keenan, 22 tuổi, đều ngụ tại Cheshire đã bị tuyên án 4 năm tù vì kích động bạo loạn trên Facebook. Trong khi đó, David Glyn Jones, 21 tuổi ở Bangor, phía Bắc xứ Wales đã bị bắt giam 4 tháng sau khi kêu gọi bạn bè trên Facebook: "Hãy bắt đầu cuộc bạo loạn Bangor". Một thiếu niên 17 tuổi được giấu tên cũng đã bị cấm sử dụng mạng xã hội trong 12 tháng và 3 tháng không được truy cập Facebook ban đêm do sử dụng trang cá nhân trên mạng xã hội này để kích động bạo loạn. Đặc biệt, theo giới truyền thông Anh, Hollie Bentley, 19 tuổi sẽ bị xét xử do cáo buộc kích động và hỗ trợ bạo loạn đặc biệt nghiêm trọng trên Facebook hôm 9/8.
 
Đưa nội dung sai lên web đăng ký ở nước ngoài bị truy tố
 
Trong cuộc bạo loạn tại Anh vừa qua, các mạng xã hội đã bị chỉ trích gay gắt vì để mặc cho người sử dụng kêu gọi, kích động bạo loạn mà không có các biện pháp kịp thời nhằm gỡ bỏ, ngăn chặn thông tin lây lan. Thậm chí, ông Tim Godwin, quyền Giám đốc sở Cảnh sát London cho biết, đã đề nghị tòa án xem xét vai trò của Twitter trong các cuộc bạo loạn. Nhằm ngăn chặn một sự việc đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, Chính phủ có thể xem xét ban hành lệnh hạn chế truy cập, thậm chí là ngắt kết nối một số dịch vụ trực tuyến, viễn thông nếu xảy ra vụ việc tương tự trong tương lai. Nhằm siết chặt hơn nữa việc quản lý blog và các trang cá nhân trên mạng xã hội, Bộ Nội vụ Anh hôm 25/8 đã có buổi làm việc với Twitter, Facebook và Blackberry. Bộ trưởng Nội vụ Theresa May cho biết, cuộc gặp gỡ giữa các sĩ quan cảnh sát cấp cao và Giám đốc điều hành của các mạng xã hội lớn nhằm bàn thảo các biện pháp để ngăn chặn người sử dụng thực hiện các âm mưu bạo loạn trực tuyến. Facebook cho biết, sẽ ưu tiên xem xét các nội dung được cho là "nghiêm trọng trong thời điểm nhạy cảm như các cuộc bạo loạn" để thực hiện cam kết với Chính phủ Anh.
 
Tại Đức, mặc dù các blog đã trở thành một công cụ vận động tranh cử hiệu quả, nhưng qui định liên quan đến blog nghiêm ngặt hơn các quốc gia. Theo đó, một blogger người Đức vẫn bị truy tố kể cả khi đưa các nội dung sai trái lên các trang web đăng ký ở nước ngoài. Đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ Internet hay người điều hành diễn đàn trên mạng phải chịu trách nhiệm pháp lý về các nội dung của người sử dụng đưa lên. Vì thế, ISP phải nắm rõ danh tính của người sử dụng thuộc các diễn đàn, các blog, các trang web cá nhân để dễ dàng quản lý, kiểm soát nội dung.