Cần có một chiến lược tổng thể
Dòng sông Tô Lịch, từng gắn liền với lịch sử và văn hóa Hà Nội, đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân bởi tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Dự án bổ cập nước từ sông Hồng, cùng với việc thau rửa dòng sông, được kỳ vọng sẽ “thay máu” cho sông Tô Lịch. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững, cần giải quyết tận gốc rễ sự ô nhiễm từ các nguồn nước.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy vẫn còn 32 cống xả thải chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom, thuộc một dự án khác. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn có một lượng nước thải tiếp tục chảy vào sông Tô Lịch, dù phần lớn nguồn ô nhiễm đã bị chặn lại. Việc đấu nối toàn bộ cống xả thải này là điều cấp thiết nếu muốn duy trì dòng sông sạch lâu dài.
Theo ông Hoàng Trọng Tùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội, hiện phần lớn các cống nước thải dọc sông Tô Lịch đã được thu gom và chuyển về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ được bơm vào sông Nhuệ, sau đó chảy ra sông Đáy và hòa vào biển. Tuy nhiên, lượng nước ô nhiễm tồn đọng trong lòng sông hiện tại không thể thu gom mà sẽ chảy theo dòng nước bổ cập ra hạ lưu.
Việc bổ cập nước vào sông Tô Lịch giúp cải thiện chất lượng dòng chảy, pha loãng ô nhiễm và tạo cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu nguồn nước bổ cập bị hạn chế hoặc không đủ, thì sông Tô Lịch sẽ ra sao?
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Môi trường cho rằng chỉ bổ cập nước mà không giải quyết tận gốc vấn đề nước thải thì đây không thể là giải pháp lâu dài. "Nước sông Hồng không phải vô tận, trong tương lai, khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, lượng nước bổ cập có thể bị hạn chế. Khi đó, nếu chưa kiểm soát hoàn toàn nguồn ô nhiễm, sông Tô Lịch lại có nguy cơ trở về trạng thái ban đầu" - ông Nhuệ phân tích.
Mặt khác, bổ cập nước còn liên quan đến biến đổi hệ sinh thái tự nhiên. Việc thay đổi đột ngột dòng chảy có thể ảnh hưởng đến sự thích nghi của các loài sinh vật thủy sinh và cấu trúc địa chất lòng sông. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị cần có một chiến lược tổng thể, kết hợp bổ cập nước với cải tạo bùn đáy và kiểm soát chất lượng nước đầu vào.
TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhận định: "Nếu không xử lý triệt để lượng bùn thải tồn đọng, nước bổ cập dù có đưa vào cũng chỉ giúp dòng sông "sáng" lên trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, vấn đề ô nhiễm vẫn quay trở lại".
![Để "cứu" sông Tô Lịch cần một nguồn kinh phí rất lớn.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/11/d6.jpg)
Bài toán kinh tế và mô hình hợp tác
Cải tạo sông Tô Lịch đòi hỏi một nguồn vốn khổng lồ. Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư lên tới 16.000 tỷ đồng. Việc bổ cập nước từ sông Hồng cũng tốn kém không ít, Hà Nội dự kiến chi 550 tỷ đồng ngân sách địa phương xây dựng đường ống dẫn nước sông Hồng về Tô Lịch, chưa kể chi phí duy trì và vận hành hệ thống cống ngầm, xử lý nước thải.
Nhiều chuyên gia đều cùng chung nhận định rằng, một khi dòng sông Tô Lịch thực sự hồi sinh, Hà Nội có thể khai thác tiềm năng du lịch đường thủy, giống như nhiều thành phố lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, cần có cơ chế tài chính hợp lý.
Một trong những mô hình đầu tư được nhiều chuyên gia đề cập đến là mô hình hợp tác công - tư (PPP), trong đó doanh nghiệp tham gia đầu tư và hưởng lợi từ các dịch vụ liên quan đến khai thác cảnh quan sông Tô Lịch. Mô hình này đã thành công tại nhiều quốc gia như Singapore, Nhật Bản, khi chính quyền địa phương phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng các tuyến phố đi bộ ven sông, nhà hàng nổi và du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế có thể mang lại nguồn lực và công nghệ tiên tiến. Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản từng được thử nghiệm vào năm 2019, cho thấy hiệu quả trong việc giảm bùn đáy và cải thiện chất lượng nước. Việc học hỏi và áp dụng công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam có thể giúp đẩy nhanh quá trình cải tạo sông.
TS Nguyễn Văn Khải - chuyên gia môi trường cho rằng, việc hợp tác quốc tế phải đi đôi với chủ động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nước. "Chúng ta cần học hỏi nhưng không thể phụ thuộc hoàn toàn. Mỗi dòng sông có đặc thù riêng, nên phải có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội" - TS Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh.
Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế có thể mang lại lợi ích, nhưng cần được thực hiện một cách chủ động, phù hợp với điều kiện của Hà Nội. Nếu có cách tiếp cận đúng đắn, sông Tô Lịch hoàn toàn có cơ hội trở thành một dòng sông sạch và mang lại nguồn lợi kinh tế.
Bổ cập nước sông Hồng vào “cứu” sông Tô Lịch là một bước đi quan trọng. Để dòng sông thực sự hồi sinh, cần một chiến lược dài hạn, kết hợp kiểm soát nước thải, cải tạo bùn đáy, bổ cập nước hợp lý và phát triển cơ chế tài chính bền vững.