Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ chỉ nên làm trọng tài!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT hay các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa (SGK) cũng được, quan trọng là phải đạt yêu cầu về chương trình chuẩn giáo dục phổ thông và phù hợp vùng miền.

Đây là quan điểm chung của hầu hết các chuyên gia giáo dục về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông vừa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trình Quốc hội.

GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - Thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực:

Bộ không chủ động sẽ rất mạo hiểm
Bộ chỉ nên làm trọng tài! - Ảnh 1

Để phát huy được tính dân chủ, tránh độc quyền thì các tổ chức, cá nhân làm SGK là tốt nhất. Nhưng trước yêu cầu mới, SGK cần được biên soạn tích hợp theo hướng phát triển năng lực. Nếu Bộ giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thì khó đảm bảo chất lượng của sách theo yêu cầu mới. Và thời gian làm kéo dài, đến lúc khai giảng năm học mà chưa có sách dạy thì rất mạo hiểm!

SGK phải thể hiện được chủ trương đổi mới. Ở THCS sẽ không còn các môn học Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý mà sẽ là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội viết theo các chủ đề tích hợp. Cách viết tích hợp rất khó và mới mẻ đối với chúng ta. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, Bộ GD&ĐT cần phải đứng ra chủ trì biên soạn, phải đảm bảo được những yêu cầu của đổi mới. Bộ có thể dùng đội ngũ cán bộ của Bộ đồng thời có thể huy động lực lượng cá nhân, đoàn thể, cơ quan và các hội, ai muốn tham gia biên soạn SGK thì đăng ký. Làm như thế sẽ tốt hơn vì vừa đảm bảo được tính đổi mới vừa đảm bảo được tính dân chủ cũng như tiến độ thực hiện đúng thời hạn để thí điểm và triển khai đại trà SGK mới.

Bộ GD&ĐT cũng không nên tự biên soạn SGK cho tất cả các môn học. Đối với Khoa học tự nhiên, Bộ nên mua (có thể xin) một bộ SGK của nước nào đó đã được biên soạn tích hợp liên môn theo năng lực, phù hợp với Việt Nam và dịch ra tiếng Việt, nếu cần thì thay đổi hoặc điều chỉnh chút ít là có thể dùng được ngay. Còn với Khoa học xã hội, chúng ta phải biên soạn. Nhưng, cũng nên mua hoặc xin một bộ sách của nước nào đó để nghiên cứu, học tập cách cấu trúc thành các chủ đề tích hợp rồi biên soạn thành nội dung của mình. Cách làm này đảm bảo được yêu cầu đổi mới SGK, đỡ tốn kém, đảm bảo được tiến độ và thuận lợi cho hội nhập.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục:

Dồn sức vào bộ sách giáo khoa của Nhà nước
Bộ chỉ nên làm trọng tài! - Ảnh 2

Nhà nước vẫn phải "cầm trịch" biên soạn SGK, ngoài ra huy động trí tuệ của các hội, đoàn thể, cá nhân. Như thế, có thêm nhiều bộ SGK tốt cho xã hội và các gia đình. Nhưng theo tôi vẫn phải dồn hết sức vào bộ SGK của Nhà nước, coi như là cột trụ làm điểm tựa, bởi các gia đình vẫn trông mong vào đó. Tuy nhiên, không nên coi bộ SGK ấy là khuôn vàng thước ngọc, là số một, còn các bộ SGK khác là hạng hai.

Để có được bộ SGK tốt, trước hết chúng ta phải xây dựng được chương trình chuẩn để làm định hướng chỉ đạo. Muốn đạt được chương trình chuẩn, thứ nhất phải tập hợp được chuyên gia công tâm góp ý kiến về chương trình. Thứ hai, phải tham khảo kinh nghiệm tiên tiến của nước ngoài. Thật khó để xác định thế nào là chương trình chuẩn, nhưng nó phải hiện đại nhất trong các chương trình đang có hiện nay. Chương trình ấy phù hợp với hoàn cảnh của Nhân dân, nhưng đồng thời vẫn tìm xem bên ngoài tiên tiến thế nào. Cái khó là kết hợp giữa tiên tiến và tình hình của đất nước.

TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học FPT:

Chắc gì Bộ làm sách giáo khoa đã tốt hơn?
Bộ chỉ nên làm trọng tài! - Ảnh 3

Với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT không nên làm những công việc cụ thể mà Bộ đứng ra làm trọng tài thì tốt hơn. Tôi nghĩ, các tổ chức, cá nhân thiết kế khung và sau đó xã hội sẽ tự vận động trong cái khung ấy. Tất nhiên, những cái khung ấy trước khi đưa ra xã hội cần có cơ quan quản lý Nhà nước xem xét để đảm bảo đáp ứng chuẩn. Chúng ta đừng lo các tổ chức, cá nhân không làm nổi bộ SGK. Cũng giống như Nhà nước không làm xà phòng thì vẫn có tổ chức khác sản xuất. Bây giờ đã có một số tổ chức đứng ra tự làm SGK mà không cần có chỉ đạo, nếu được Bộ bật đèn xanh, họ sẽ gấp rút làm.

Nhà nước không nên quyết định chính xác làm mấy bộ SGK. Khi có chương trình chuẩn, các tổ chức, cá nhân viết, sau đó một hội đồng Nhà nước thẩm định. Nếu SGK họ làm chưa đạt chuẩn chương trình thì có thể sửa lại, việc lựa chọn có hay không sử dụng SGK của ai là thuộc về các trường. Thực tế cuối cùng, người dùng chỉ dồn vào một số tổ chức làm SGK lớn, biết đầu tư, biết cách bán hàng, có chuyên gia giỏi, đảm bảo chất lượng.