Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bố chồng Hà Tăng có chỗ bán mỳ tôm, nước uống ở sân bay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba công ty liên quan đến ông Jonathan Hạnh Nguyễn - bố chồng của nữ diễn viên Tăng Thành Hà đã chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược của SASCO.

 SASSCO là một trong những doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tại sân bay.

Ngày 18/9/2014, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã thu về hơn 601 tỷ đồng từ việc bán đấu giá thành công 31 triệu cổ phần, tương đương 23,65% vốn điều lệ. SASCO là công ty con của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) có vốn điều lệ 1.315 tỷ đồng. Sau cổ phần hóa, ACV sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 100% xuống còn 51%.
Bố chồng Hà Tăng có chỗ bán mỳ tôm, nước uống ở sân bay - Ảnh 1
SASCO có sức hấp dẫn mạnh mẽ khi có đến 126 nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia đấu giá với khối lượng đặt mua lên đến hơn 145 triệu cổ phần, gấp gần 5 lần so với lượng chào bán. Hơn nữa, giá trúng thầu bình quân đạt 19.330 đồng/cổ phần, gần gấp đôi so với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.

Song song với đợt bán đấu giá này, SASCO cũng chào bán tương đương 23,6% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Ba công ty thuộc Tập đoàn Imex Pan Pacific của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã được chấp thuận sau khi trải qua vòng tuyển chọn gắt gao.

Trong đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) mua 21.040.000 cổ phần, tương ứng 16% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) mua 6.575.000 cổ phần, tương ứng 5% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC) mua 3.419.000 cổ phần, tương ứng 2,6% vốn điều lệ.

Được biết, để trở thành cổ đông chiến lược của SASCO, ba công ty trên phải chi ra ít nhất hơn 310 tỷ đồng.

Bố chồng của nữ diễn viên Tăng Thanh Hà vốn nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm có thương hiệu cao cấp trên thế giới. Tập đoàn Imex Pan Pacific là nhà phân phối của nhiều thương hiệu cao cấp như rượu Moet-Hennessy, Camus; nước hoa Chanel; các nhãn hàng thời trang Burberry, Nike, CK, Salvatore Ferragamo, Versace… cũng như là đối tác nhận nhượng quyền của nhiều chuỗi nhà hàng như Thai Village, Illy Café, Burger King, Domino Piazza…
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cùng vợ, con trai và con dâu.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cùng vợ, con trai và con dâu.
Việc ông quyết đầu tư vào SASCO không phải không có lý do. Kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại sân bay vốn là một trong những nguồn thu quan trọng của SASCO với thương hiệu SASCO Duty Free. SASCO đã đầu tư xây dựng hơn 20 quầy hàng với 10 nhóm mặt hàng và khoảng 12.000 sản phẩm miễn thuế tại ga xuất cảnh quốc tế gồm: Rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, nước hoa, trang sức, đồng hồ, mắt kính, hàng thời trang, thực phẩm, túi. Đây cũng chính là lĩnh vực mà Imex Pan Pacific có nhiều kinh nghiệm.

Ba nhà đầu tư chiến lược của SASCO thuộc tập đoàn của ông Hạnh Nguyễn, có IPP vói kinh nghiệm kinh doanh bán lẻ; khai thác siêu thị miễn thuế; trung tâm thời trang cao cấp (Rex Arcade và Tràng Tiền Plaza) và phân phối thương hiệu cao cấp. ACFC có kinh nghiệm tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống bán lẻ với gần 80 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. DAFC có kinh nghiệm kinh doanh ngành hàng tiêu dùng cao cấp, xây dựng hệ thống phân phối các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Với sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược mới này sẽ càng giúp cho SASCO khai thác hết lợi thế của mình. Đồng thời, đích nhắm mà tập đoàn của “ông trùm thương hiệu cao cấp” Jonathan Hạnh Nguyễn hướng đến là các dịch vụ hạng sang cho khách hàng VIP thuộc ghế Thương gia của hàng không sẵn sàng chi ra số tiền lớn để hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất.