Hơn 20 thanh niên bị bắt giữ do đua xe tại Bình Dương đêm 5/6, nhiều người không đeo khẩu trang. (Ảnh: TTXVN) |
Trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) nói riêng và lực lượng Công an nói chung đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều nhóm đối tượng có hành vi đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, điển hình Công an TP Hồ Chí Minh và Tiền Giang đã khởi tố 02 vụ, 16 đối tượng với tội danh tổ chức, đua xe trái phép; Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang đã khởi tố 03 vụ, 37 đối tượng với tội danh gây rối trật tự công cộng,..
Tuy nhiên thời gian gần đây tại một số địa phương tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, gây mất trật tự công cộng, mất an toàn giao thông diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong thời gian này là thời điểm diễn ra các trận đấu bóng đá của Đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 khu vực Châu Á; giải vô địch bóng đá Châu Âu (Euro 2021)…
Do đó, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc cần xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp, kế hoạch phối hợp để thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xử lý, chặn đứng tình trạng đua xe trái phép…
Trong đó, Cục CSGT phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố xác định thống nhất các cụm tuyến, địa bàn liên tỉnh có nguy cơ xảy ra đua xe trái phép để xây dựng kế hoạch, phương án, quy chế phối hợp giữa Công an các tỉnh nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả nạn đua xe trái phép. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.
Lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến địa bàn hợp với Cảnh sát cơ động, Cảnh sát Hình sự… tăng cường tuần tra, kiểm soát, cắm chốt tại các vị trí trọng điểm để kịp thời xử lý, chặn đứng tình trạng đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng…
Đồng thời Công an các địa phương tăng cường hoạt động phòng ngừa, quản lý chặt chẽ những đối tượng đã vi phạm và có dấu hiệu thường xuyên vi phạm lạng lách, đánh võng, tổ chức đua xe trái phép, những cơ sở chuyên độ, chế xe mô tô, ô tô.
Cùng với đó chủ động phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức tuyên truyền, tạo dư luận xã hội lên án với hành vi vi phạm, lợi dụng mạng xã hội kêu gọi, lôi kéo tham gia độ, chế xe và điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép gây nguy hiểm cho chính bản thân đối tượng, gia đình và xã hội, đe doạ trực tiếp đến tính mạng, tài sản của công dân để có biện pháp quản lý, giáo dục con em tránh xa nạn đua xe trái phép hoặc kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng khi có biểu hiện nghi vấn về thay đổi cấu hình, độ chế lại phương tiện để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn.
Theo thống kê của Cục CSGT, chỉ trong quý I/2021, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện 326 vụ thanh thiếu niên tụ tập lạng lách, đánh võng, trong khi con số này của cả năm 2020 là 803 vụ.
Tính từ ngày 17/4/2020 đến ngày 17/4/2021, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện 911 vụ với 2.265 đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập, có dấu hiệu tổ chức, đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, tạm giữ 1.719 phương tiện (1.708 môtô, 11 ôtô).
Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố 20 vụ với 156 đối tượng về tội danh đua xe, tổ chức đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ liên quan đến đua xe trái phép.
Điều đáng nói là vào đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình trạng đua xe trái phép lại càng tăng.
Lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý, tuy nhiên nhiều thanh, thiếu niên vẫn công khai sử dụng mạng xã hội kêu gọi, tụ tập đông người, chạy xe lạng lách, đánh võng, nẹt pô, gây rối trật tự công cộng, có dấu hiệu đua xe trái phép trên các tuyến giao thông, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội gây bức xúc dư luận.