Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, đó là sự thay đổi rất cơ bản trong chủ trương của chính phủ này đối phó với trào lưu ly khai đang dấy lên mạnh mẽ và quyết liệt chưa từng thấy ở những khu vực lãnh thổ có đông người Nga. Cũng có thể nói đó là phương cách bỏ bớt quyền và đặc lợi của chính phủ T.Ư để các khu vực này không biến tiền lệ Crimea trở thành thông lệ. Trước đó, chính phủ tạm quyền ở Ukraine còn ra tối hậu thư cho những lực lượng đang theo đuổi mục tiêu đấu tranh là ly khai hoặc đòi quyền tự trị sâu rộng hơn, thậm chí còn dọa sẽ sử dụng quân đội để lập lại trật tự pháp luật và kỷ cương xã hội. Xem ra, bước đi đó trên thực tế lại là một sai lầm chính trị và tâm lý bởi nếu để xảy ra xung đột bạo lực thì sự đối kháng chỉ càng không khoan nhượng thêm và càng khó hoá giải. Điều này khiến Nga có thêm lý do và cơ hội thuận lợi để can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine, trong khi cả Mỹ lẫn NATO đều chẳng thể cứu giúp được chính phủ nước này. Vì vậy, việc chấp nhận nới lỏng sự ràng buộc lâu nay về pháp lý giữa chính quyền T.Ư và các vùng lãnh thổ trong nước là chuyện bất đắc dĩ đối với chính phủ tạm quyền ở Ukraine. Điều này bộc lộ tâm trạng vô vọng và mức độ bế tắc trong đối sách, nhưng lại chỉ như vậy mới có thể giữ được những vùng lãnh thổ này và may chăng mới cứu vãn được những gì còn có thể cứu vãn được sau khi bị mất Crimea. Khó xử hiện tại của chính phủ tạm quyền ở Ukraine cũng đồng thời là tình thế khó xử của Mỹ, EU và NATO. Bởi thế, tuy tiếp tục gia tăng áp lực với Nga, tất cả các đối tác này đều ý thức được rằng, không phải lực lượng ly khai mà Nga mới chính là chìa khoá quyết định nhất để giải quyết vấn đề Ukraine.