Giải thích những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, với đề thi THPT quốc gia, TS không thể quay cóp khi có 24 mã đề thi khác nhau. Trong kỳ thi này, Bộ GD&ĐT đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các địa phương quán triệt sâu sắc nghị định của Chính phủ, các cơ quan đã phối hợp hỗ trợ công tác thi tổ chức thành công.
Thứ Trưởng Bùi Văn Ga cho biết, toàn đợt thi có 72 TS bị đình chỉ thi, con số này ở năm 2016 là 328 em. “Việc giảm TS vi phạm, do hình thức thi được đổi mới. Cụ thể, có 4/5 bài thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài không kéo dài, mỗi TS trong một phòng thi có một mã đề riêng nên việc gian lận giảm. Bên cạnh đó, việc điều 50% số giám thị coi thi ở các trường ĐH phối hợp địa phương nên tính khách quan cũng được đảm bảo. Việc đổi mới kỳ thi với những giải pháp kỹ thuật đã giảm tiêu cực đáng kể cho tiêu cực, đảm bảo thông tin khách quan, tin cậy. Số TS bị đình chỉ, vi phạm quy chế giảm mạnh, đây là cơ sở để khẳng định kỳ thi được tổ chức tốt hơn” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Trước những băn khoăn về đề thi, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, sự tranh cãi của dư luận về đề thi THPT quốc gia đã được ban đề thi lưu ý, rút kinh nghiệm để đề thi ngày càng tốt hơn. Theo đó, để xây dựng được các mã đề thi, Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa, sẽ chia ra thành các giai đoạn và thử nghiệm với học sinh lớp 12. Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5, Bộ GD&ĐT đã chọn mẫu chuẩn hóa thử nghiệm cân bằng độ khó giữa các câu trong đề thi. Với đề thi trắc nghiệm khách quan, Bộ GD&ĐT xây dựng 24 mã đề khác nhau, xuất phát từ 4 đề gốc nhưng trong quy chế không quy định điều này, mà chỉ quy định mỗi đề thi có 24 mã đề khác nhau. Mỗi đề thi có 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao… Hội đồng thi sẽ rút các câu hỏi trong ngân hàng ma trận đề, trên cơ sở đó chọn đề thi gốc để đọc và thẩm định.
“Đề thi trắc nghiệm THPT quốc gia có sự chuẩn hóa theo kinh nghiệm của Mỹ, nơi đã có nhiều kinh nghiệm làm thi trắc nghiệm. Vì vậy, việc hoàn thiện cách làm sẽ không thể trong một sớm, một chiều. Phải quy chỉnh dần dần, nhưng phải hướng tới công bằng, khách quan và nhẹ nhàng cho TS. Chỉ có thể so sánh độ vênh của toàn đề thi với nhau chứ không thể so sánh độ vênh của các câu hỏi, điều này là khập khiễng. Chỉ khi phân tích điểm trung bình của mã bài thi sau khi có kết quả mới có thể chứng minh được về độ khó của các đề thi khác nhau có tương đương hay không” – ông Sái Công Hồng nhấn mạnh.
Đánh giá chung về chất lượng kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi cơ bản đã đảm bảo được sự nghiêm túc, an toàn và tiết kiệm. “Cách thức tổ chức thi và hình thức thi trắc nghiệm cơ bản đã thể hiện được sự ưu việt, chính vì vậy, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng hình thức thi này ổn định trong nhiều năm tới. Nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ điều chỉnh một chút về kỹ thuật để hợp lý hơn”.