Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GD&ĐT lên tiếng về thông tin học sinh “bắt buộc” học Tiếng Hàn từ lớp 3

Kim Thỏa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xuất hiện từ “bắt buộc” trong văn bản của Bộ về thí điểm chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn thành ngoại ngữ 1 mới đây khiến dư luận “dậy sóng”. Đại diện Bộ GD&ĐT đã lên tiếng giải thích về vấn đề này.

 Từ năm học tới, học sinh sẽ có thể lựa chọn tùy nhu cầu môn Tiếng Hàn, Đức làm ngoại ngữ 1. 
Ngày 9/2/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 712 về chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn, Tiếng Đức - ngoại ngữ 1 hệ 10 năm thí điểm. Trong phần đặc điểm môn học, văn bản này nêu rõ: Môn Tiếng Hàn là ngôn ngữ 1 “bắt buộc” trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12.

Ngay lập tức, dư luận đã có những phản ứng khác nhau vì cho rằng sắp tới con em mình sẽ bắt buộc phải học môn Tiếng Hàn từ lớp 3?

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, đây là quyết định về việc thí điểm môn tiếng Hàn trở thành một trong các ngoại ngữ 1. Chương trình tiếng Hàn – ngoại ngữ 2 đã được Bộ ban hành từ trước.

Cụm từ “bắt buộc” trong quyết định 712 của Bộ GD&ĐT không có nghĩa môn Tiếng Hàn trở thành môn học bắt buộc với học sinh từ lớp 3. Tiếng Hàn chỉ là một trong những ngoại ngữ được chọn làm ngoại ngữ 1. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.

Theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh được chọn một trong 4 ngoại ngữ sau làm ngoại ngữ thứ nhất gồm Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung.

Như vậy, kể từ thời điểm 9/2/2021, Bộ GD&ĐT thí điểm thêm Tiếng Hàn và Tiếng Đức vào nhóm ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông để học sinh có thể lựa chọn.

Theo Bộ GD&ĐT, nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn, Tiếng Đức giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới; hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Đức, tiếng Hàn thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.

Việc này giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản về các nền văn hóa khu vực các quốc gia nói tiếng Đức, tiếng Hàn. Từ đó góp phần hình thành thái độ và tình cảm tích cực đối với các nền văn hóa này để họ thêm trân trọng giá trị văn hóa Việt Nam.

Sau khi học xong, các em có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh sử dụng ngoại ngữ trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập…