Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GD&ĐT tiếp tục “mở”?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi chất lượng đào tạo thạc sĩ đang bị đánh giá là chương trình phổ thông cấp 5, thì năm qua, Bộ GD&ĐT lại có thông tư ban hành Quy chế Đào tạo trình độ thạc sĩ với nhiều quy định mới “ưu ái” người học.

Thời gian ngắn = thạc sĩ rởm

Theo quy chế mới, thời gian đào tạo thạc sĩ giảm còn một  năm học đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ ĐH có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên, tích lũy 150 tín chỉ. Nhiều chuyên gia giáo dục không đồng tình với quy định này và cho rằng, Bộ GD&ĐT đang quá “ưu ái” người học. Bởi với thời gian đào tạo 2 năm như trước đây, việc học thực chất chỉ còn một năm, và với cách đào tạo theo tín chỉ, số giờ học viên lên lớp còn rất ít. Đã thế, việc học lại diễn ra vào buổi tối, thứ Bảy và Chủ nhật nên thời gian tiếp tục bị cắt xén chẳng còn bao nhiêu. Trong khi ấy, đa số học viên thạc sĩ không biết tự học, không tự nghiên cứu và tổng hợp các vấn đề. Đáng buồn hơn, có những học viên sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê người học hộ với giá 50.000 – 100.000 đồng/buổi. “Theo tôi, cần phải tăng thời gian đào tạo thạc sĩ lên nữa. Với quy định rút xuống chỉ còn một năm,  tôi bảo đảm sẽ dẫn đến hậu quả đào tạo ra rất nhiều thạc sĩ rởm” - GS Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định. 
Giờ thực hành trong phòng thiết bị công nghệ cao ở Đại học Quốc gia Hà Nội.     Ảnh: Bùi Tuấn
Giờ thực hành trong phòng thiết bị công nghệ cao ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Bùi Tuấn
Nhiều người cũng không đồng tình với quy định mới về cộng điểm ưu tiên cho các đối tượng. Trong khi trình độ ngoại ngữ của học viên thạc sĩ không thể dịch được các tài liệu nước ngoài phục vụ cho việc tham khảo và nghiên cứu làm luận văn, thì Bộ GD&ĐT lại “nới” cộng thêm 10 điểm (thang điểm 100) vào đầu vào môn Tiếng Anh và 1 điểm (thang điểm 10) cho một  trong 2 môn thi hoặc kiểm tra còn lại. “Bộ GD&ĐT đưa ra quy định này là hạ thấp tiêu chí đầu vào, “gợi mở” cho các trường lấp đầy chỉ tiêu. Không những thế còn đi ngược lại với việc chúng ta đang tích cực thực hiện Đề án 1400 về tăng cường khả năng ngoại ngữ trong học sinh, sinh viên” - một chuyên gia giáo dục cho biết. 
Một vấn đề lớn đang tồn tại trong đào tạo thạc sĩ, đó là chất lượng đầu ra chưa được kiểm soát. Chất lượng luận văn thạc sĩ quá thấp do không có đủ thời gian để tham khảo và nghiên cứu tài liệu, dẫn đến nhiều luận văn trùng lặp nhau; hoặc khác nhau ở tên đề tài nhưng lý luận và giải pháp lại tương đối giống nhau. Biết rằng, trong quy chế mới, Bộ GD&ĐT có các quy định cụ thể về đề tài thực hiện, nhưng thời gian học và làm luận văn chỉ một năm, thì chất lượng đầu ra khó mà thay đổi. 

Siết chặt đầu vào - ra

Để nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ, PGS Dương Văn Sao - nguyên Hiệu trưởng ĐH Công đoàn cho rằng, trường rất cần những giải pháp tổng thể. Bộ GD&ĐT nên siết chặt chỉ tiêu đào tạo đối với từng ngành dựa trên nhu cầu của các bộ, ngành. Tuyển chọn đầu vào thạc sĩ cũng phải nâng lên một bậc. Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi thì được đăng ký đi học thạc sĩ ngay, loại khá trở xuống phải đi làm vài năm để có kinh nghiệm thực tiễn.

Cùng với yêu cầu về cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT nên tăng tiêu chuẩn đào tạo thạc sĩ. Một PGS than phiền, quy định ngành có 5 tiến sĩ, có 2 khóa sinh viên tốt nghiệp được đào tạo trình độ thạc sĩ là quá thấp so với thực tế. Đối với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, GS Phạm Tất Dong đề nghị cần kiểm tra gắt gao và thật kỹ trình độ tiếng Anh đầu vào. Nhất là đối với những người làm quản lý, trưởng phòng GD&ĐT, phải kiểm tra kỹ hơn, bởi họ tốt nghiệp ra trường đã lâu, vốn kiến thức ngoại ngữ bị mai một nhiều.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về chất lượng đào tạo thạc sĩ chưa tương xứng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đưa ra 3 giải pháp khắc phục. Thứ nhất, các trường đủ điệu kiện và tiêu chuẩn chỉ được tổ chức đào tạo tại trụ sở chính của trường. Chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ được điều chỉnh giảm đi và điều kiện đảm bảo chất lượng được nâng lên. Quy định rõ trách nhiệm của thầy hướng dẫn làm luận văn, người phản biện, hội đồng bảo vệ, cơ sở đào tạo. 

Người đứng đầu ngành giáo dục còn cho biết, thời gian tới, sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở được hợp tác với đơn vị nước ngoài trong đào tạo. Các cơ sở có thể mời chuyên gia đầu ngành của các trường ĐH danh tiếng trên thế giới đến hướng dẫn, tham gia hội đồng đào tạo và các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ. Về phía các trường ĐH, Bộ GD&ĐT tăng cường thanh, kiểm tra và yêu cầu các trường đổi mới, bổ sung chương trình nội dung, phương pháp dạy, học. Khi các vi phạm bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh, để hoạt động đào tạo thạc sĩ đi vào chiều sâu chất lượng. 

(Còn nữa)