Bộ Giao thông phản ứng ra sao khi cao tốc "chưa chuẩn" tai nạn liên tiếp?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tai nạn liên tiếp xảy ra trên các tuyến cao tốc chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn trong thời gian qua đang khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu rằng những tuyến cao tốc này có đảm bảo an toàn để đưa vào khai thác?

Tai nạn đang là nỗi ám ảnh của tài xế trên các tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn.
Tai nạn đang là nỗi ám ảnh của tài xế trên các tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn.

Tai nạn nối tiếp tai nạn

Ngày 18/2/2024, khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 kết thúc chưa được bao lâu, thì dư luận cả nước bàng hoàng trước một vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến cao tốc Bắc - Nam khiến 3 người tử vong. Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 10h trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế giữa 4 ô tô. Cả 3 nạn nhân tử vong đều là người một nhà (3 mẹ con), trong đó có hai trẻ em.

Điều đáng chú ý, cao tốc Cam Lộ - La Sơn nơi xảy ra vụ tai nạn chỉ có hai làn xe, không có dải phân cách cứng ở giữa. Bên cạnh đó, cách tổ chức giao thông trên tuyến cao tốc này cũng bộ lộ bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cao tốc chưa đạt chuẩn và không đảm bảo an toàn khi đưa vào khai thác.

Ngay sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên, nhiều vụ tai nạn khác nối tiếp nhau xảy ra trên các tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn thuộc cao tốc Bắc - Nam. Đầu tiên là vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 2h33 phút ngày 27/2 tại Km 45 trên tuyến cao tốc Nha trang - Cam Lâm, thuộc địa phận thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) giữa xe khách và xe tải khiến 2 người tử vong. Trong đó phụ xe khách tử vong tại chỗ còn lái xe khách tử vong tại bệnh viện.

Đến ngày 1/3, trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn qua địa phận xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) xảy ra một vụ TNGT liên hoàn giữa 4 xe ô tô khiến một tài xế chết tại chỗ.

Giống như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, hai tuyến Cam Lâm - Nha Trang và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đều không phải là tuyến cao tốc đạt chuẩn. Trong khi cao tốc Cam Lâm - Nha Trang có 4 làn xe (hoàn chỉnh là 6 làn xe) nhưng lại không có làn dừng khẩn cấp (bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 – 5km/điểm) thì cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ có 2 làn xe chạy với tốc độ tối đa 80km/h, không có làn dừng khẩn cấp.

Những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trên cao tốc Bắc - Nam mới đưa vào khai thác trong thời gian quan càng dấy lên mối quan ngại về tiêu chuẩn an toàn của công trình này. Thậm chí, nhiều chuyên gia thẳng thắn nói rằng, cao tốc mà chỉ có 2 làn xe là đường chưa đạt chuẩn.

Và việc những cao tốc chỉ xây dựng 2 làn, không có làn dừng khẩn cấp không chỉ không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng để các phương tiện lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Với 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những tuyến cao tốc mẫu hiện có ở nước ta.
Với 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những tuyến cao tốc mẫu hiện có ở nước ta.

Cần cả giải pháp cấp bách và dài hạn

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, cao tốc Bắc - Nam là trục giao thông xương sống thì phải làm đồng bộ ngay. Làm cho tương lai, có nghĩa là số làn đường, tốc độ chạy xe, làn dừng khẩn cấp phải theo những chuẩn quốc tế, làm đến đâu hoàn thiện đến đó. Như vậy mới phát huy được hiệu quả.

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc tổ chức giao thông trên cao tốc Bắc - Nam là có vấn đề. Như chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, cách tổ chức giao thông theo kiểu áp đặt trên một số đoạn cao tốc Bắc - Nam là không nên. Bởi về nguyên tắc, việc tổ chức giao thông phải phù hợp với chức năng và cấp hạng của tuyến đường.

“Hệ thống biển báo trên đường cao tốc khác với hệ thống biển báo đường bộ thông thường. Trên đường cao tốc, về nguyên tắc không có biển cấm, cũng không có những biển báo nguy hiểm, trừ những biển tạm, đất đá lở, hoặc những biển sửa chữa đường tạm thời” - chuyên gia Doãn Minh Tâm nói và nhấn mạnh, những biển báo như “báo hiệu đường thắt hẹp, nguy hiểm” trên cao tốc Bắc - Nam là không phù hợp khi thực tế cao tốc sẽ không có những biển báo như thế này.

Về phía Bộ GTVT, trong thời gian qua, cơ quan này luôn một mực khẳng định khi đầu tư xây dựng đường cao tốc, tất cả phương án tổ chức giao thông đều được áp dụng, thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, trước những ý kiến trái chuyền của dư luận, Bộ GTVT đã có động thái. Đầu tiên, trong công điện về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường bộ trong mùa Lễ hội xuân Giáp Thìn và năm 2024 vừa ban hành, cơ quan này yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra kết cấu đường sá, tổ chức giao thông trên cao tốc, quốc lộ trọng yếu, đặc biệt là các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe hoặc không có làn dừng khẩn cấp.

Bộ GTVT cũng đề nghị doanh nghiệp, người lái xe nâng cao ý thức bảo đảm an toàn giao thông; chú trọng quy định về thời gian lái xe, tốc độ, khoảng cách giữa các xe trên cao tốc, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định…

Những giải pháp trên chỉ là ngắn hạn, còn về lâu dài, việc đầu tư, nâng cấp những tuyến cao tốc chỉ có 2 và 4 làn xe lên 6 làn xe cho đúng chuẩn cao tốc mới là giải pháp bền vững. Đại diện Bộ GTVT khẳng định sẽ báo cáo Chính phủ về đánh giá, nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ đầu tư, trong đó lý giải vì sao phải phân kỳ đầu tư cao tốc 2 làn xe.

Cơ quan này cũng thừa nhận việc phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang 2 làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố.

 

"Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất 6 giải pháp để sớm đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ, trong đó có cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường bộ cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc, để ban hành trong quý I/2024" - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng