Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang liên quan đến chính sách kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT với nhiều thông tin đáng chú ý. Đầu tiên, cơ quan này thừa nhận, tại Việt Nam, đầu tư theo hình thức đầu tư PPP là hình thức đầu tư mới, khi xây dựng các chính sách pháp luật về hình thức đầu tư PPP, cũng như quá trình tổ chức thực hiện, các bên đều chưa thể lường trước được những bất cập của hình thức này, dẫn đến những bức xúc của người dân tại một số dự án.
Những bất cập, tồn tại này đã được Bộ GTVT nhìn nhận nghiêm túc và thẳng thắn chỉ ra nhằm rút kinh nghiệm và khắc phục triệt để. đặc biệt là khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437 ngày 21/10/2017 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Bộ GTVT khẳng định, từ khi có Nghị quyết 437, cơ quan này đã đã kiên quyết không triển khai đầu tư các dự án BOT trên đường hiện hữu nhằm bảo đảm quyền được lựa cho người dân.
Thậm chí, một số dự án BOT mặc dù đã hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc đã ký kết hợp đồng nhưng chưa triển khai, Bộ GTVT đã đàm phán với nhà đầu tư để dừng triển khai theo hình thức BOT và lựa chọn hình thức đầu tư mới thích hợp.
Về kế hoạch triển khai các dự án BOT trong thời gian tới, Bộ GTVT khẳng định, sẽ chỉ tập trung đầu tư theo hình thức BOT đối với các tuyến đường bộ cao tốc. Đây là những dự án đầu tư theo tuyến mới để người dân được quyền lựa chọn, thu phí theo chiều dài đoạn đường sử dụng để bảo đảm công bằng cho người dân.
Ngoài ra, Bộ GTVT đang gấp rút triển khai hệ thống thu phí theo hình thức tự động không dừng đối với tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước. Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác thu phí của nhà đầu tư, xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện các hành vi gian lận trong thu phí.