Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GTVT: Dự án Cát Linh - Hà Đông vận hành tháng 4/2019, đề xuất hạn chế xe máy là cần thiết

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) họp báo Quý I/2019, thông báo về tình hình triển khai nhiệm vụ 3 tháng đầu năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ Quý II, cả năm 2019. Tại đây nhiều câu hỏi được đặt ra cho ngành giao thông, trong đó trọng tâm vào các vấn đề đang rất "nóng", như: Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; vấn đề cấm xe máy tại các TP lớn...

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Công Hùng
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ còn 1% hạng mục phụ
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo, cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã lần lượt giải đáp các vấn đề mà dư luận quan tâm.
Thông tin về vấn đề tiến độ của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án Đường sắt Vũ Hồng Phương cho biết, dự án vẫn đang trong quá trình thi công và chưa được nghiệm thu nên chưa hoàn thiện. Hiện chỉ còn 1% hạng mục phụ như mái che, thang cuốn, hệ thống cảnh quan cây xanh. Ban Quản lý Dự án đang chỉ đạo tổng thầu, quyết tâm hoàn thành trong tháng 4/2019.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, để dự án đi vào khai thác thương mại còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, có việc đánh giá an toàn hệ thống, đăng kiểm các phương tiện, thiết bị, nghiệm thu, bàn giao từ các cơ quan liên quan và từ tổng thầu.
Liên quan đến đề xuất cấm xe máy ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc Chính phủ giao 2 TP xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện cần xem xét tới việc tổ chức giao thông, lộ trình thực hiện, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. TP Hà Nội đang trong quá trình xây dựng đề án, do vậy còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá, phân tích trước khi đưa ra được phương án cuối cùng.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định quan điểm của Bộ GTVT là phải có lộ trình rõ ràng, song song với việc tổ chức giao thông tốt, đảm bảo người dân đi lại thuận lợi.
Trong khi đó, theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc, việc hạn chế xe máy, thậm chí là cấm hoạt động đã triển khai ở một số đô thị trên thế giới. Đây được coi là một trong những giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quang cảnh buổi họp báo.
Trả lời câu hỏi về việc bác đề xuất của TP Hà Nội sử dụng khu vực lưu không dưới chân cầu vượt để làm bãi đỗ xe, đại diện Bộ GTVT cho biết: Theo mọi thiết kế các dự án xây dựng cầu vượt không có hạng mục cho trông giữ xe. Bên cạnh đó, các quy định cũng yêu cầu các kho chứa vật liệu nổ phải để xa công trình giao thông theo những khoảng cách nhất định. Trong khi đó, phương tiện giao thông đều chứa nhiên liệu dễ cháy nổ...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ thêm, việc sử dụng gầm cầu vượt làm bãi đỗ xe không phải chưa từng có trên thế giới, ví dụ như tại Đài Loan.
"Về vấn đề này, trong quá trình sửa đổi Luật chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Trật tự an toàn giao thông được đảm bảo trong Quý I/2019
Trước đó, tại buổi giao ban Quý I và triển khai nhiệm vụ Quý II của Bộ GTVT diễn ra vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: 3 tháng đầu năm là dịp cao điểm Tết, mùa lễ hội và đặc biệt là dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, tuy nhiên toàn ngành vẫn tập trung phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cùng đó, các dự án công trình giao thông trọng điểm tiếp tục được triển khai quyết liệt và cơ bản đảm bảo tiến độ.
Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành giao thông cũng chỉ ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn nhiều vấn đề phải chấn chỉnh ngay, như: Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn tình trạng nợ đọng. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải được coi trọng ngang với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
"Phải rõ ràng, cụ thể, tinh gọn, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật quy định nhưng phải phù hợp và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và DN liên quan đến ngành GTVT", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các dự án công trình giao thông trọng điểm tiếp tục được triển khai quyết liệt và cơ bản đảm bảo tiến độ trong quý I/2019.
Bên cạnh đó, các cơ quan đơn vị phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe DN; yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào công tác quản lý, cung cấp dịch vụ hành chính công.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đơn vị tham mưu phải trình dự thảo sửa đổi về kinh doanh vận tải bằng ô tô chậm nhất trong tháng 5/2019 đảm bảo chất lượng; không được chậm trễ tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng; bảo đảm tiến độ và chất lượng, mỹ quan dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; hoàn thành sớm công tác xây dựng Đề án theo kế hoạch như Đề án bảo trì đường bộ; Thu phí không dừng; Đề án phát triển hạ tầng giao thông khu vực và vùng...

Quý I/2019 (tính từ ngày 16/12/2018 đến 15/3/2019) tai nạn giao thông cả nước giảm sâu, giảm trên 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. 

Cả nước xảy ra 4.030 vụ tai nạn, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người; so với Quý I/2018, giảm 644 vụ (giảm 13,78%), giảm 244 người chết (giảm 11,35%), giảm 486 người bị thương (giảm 13,4%). 

Riêng tháng 3/2019, cả nước xảy ra 1.208 vụ, làm chết 549 người, bị thương 972 người; so với tháng 3/2018, giảm 121 vụ (giảm 9,1%), giảm 94 người chết (giảm 14,62%), giảm 138 người bị thương (giảm 12,43%).