Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ hoang đất nông nghiệp là vi phạm pháp luật

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước, những năm gần đây, tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang đã không còn là câu chuyện hiếm gặp. Xử phạt nghiêm chủ thể được giao đất và kiên quyết thu hồi đất nông nghiệp bỏ hoang được xem là giải pháp có thể giúp chấn chỉnh tình trạng này.

Thường niên chuyển đổi đất lúa

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong những năm gần đây, có hiện tượng người dân không mặn mà sản xuất nông nghiệp nói chung, gieo cấy lúa nói riêng. Chủ thể được giao đất nông nghiệp mà phần lớn là nông dân không tổ chức sản xuất, hoặc chỉ sản xuất 1 vụ/năm.

Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi...) chưa đồng bộ. Sản xuất phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Lao động nông nghiệp bị thiếu hụt do xu thế chuyển dịch từ nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất nông nghiệp cao, trong khi lợi nhuận, thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp và nhiều bấp bênh.

Nông dân chăm sóc rau tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Ảnh: Trọng Tùng.
Nông dân chăm sóc rau tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Ảnh: Trọng Tùng.

Để quản lý hiệu quả đất nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP. Cùng với là Nghị định số 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác để hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. 

 

Trong năm 2023, Hà Nội dự kiến chuyển đổi hơn 3.838ha đất lúa; trong đó có hơn 1.119ha là chuyển đổi sang trồng cây lâu năm; khoảng 995ha là trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, còn lại là chuyển sang trồng cây hàng năm.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, trên cơ sở các nghị định của Chính phủ, hàng năm, Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh, TP tiến hành rà soát, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho người dân linh hoạt, chủ động trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng thu nhập cho người sản xuất.

“Năm 2023, cả nước dự kiến thực hiện chuyển đổi khoảng 146.460ha cây trồng trên đất lúa. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm là gần 79.882ha, cây lâu năm là hơn 24.854ha, và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản vào khoảng 16.869ha…” - ông Nguyễn Như Cường thông tin thêm.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là khu vực có diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa lớn nhất của cả nước trong năm 2023 với gần 85.978ha. Tiếp đến là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với hơn 17.915ha, vùng Đồng bằng sông Hồng (14.637ha), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (hơn 10.688ha)…

Đất nông nghiệp bỏ hoang không sản xuất có thể bị thu hồi theo quy định của pháp luật.
Đất nông nghiệp bỏ hoang không sản xuất có thể bị thu hồi theo quy định của pháp luật.

Kiến nghị thu hồi đất nông nghiệp bỏ hoang

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); trong đó, đã đưa ra một số chính sách về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp và dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp.

Mục tiêu nhằm tăng quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp, gắn với quy hoạch lại giao thông, thuỷ lợi nội đồng; tiến tới tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ và hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Bên cạnh các giải pháp về quản lý đất nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc thực hiện nghiêm túc Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là cần thiết. 

Năm 2023, Hà Nội dự kiến chuyển đổi khoảng 3.838ha đất lúa.
Năm 2023, Hà Nội dự kiến chuyển đổi khoảng 3.838ha đất lúa.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sẽ bị xử phạt tiền.

Chủ thể còn được yêu cầu sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.

Căn cứ theo quy định pháp luật, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội) chỉ đạo sở ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân, đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng đất nông nghiệp, tránh tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai (để đất nông nghiệp bị bỏ hoang) và bị xử lý theo quy định của pháp luật.