Câu hỏi
Vợ chồng tôi đã ly hôn được 2 năm, chúng tôi có 1 đứa con chung. Theo quyết định của tòa án, sau khi ly hôn, tôi được quyền nuôi con và anh ấy phải cấp dưỡng hàng tháng cho con là 3 triệu đồng. Tuy nhiên, từ sau khi ly hôn đến nay anh ấy vẫn chưa cấp dưỡng cho con một lần nào. Vậy tôi nên làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho con?
Trả lời
Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Theo thông tin bạn cung cấp thì sau khi ly hôn, bạn là người trực tiếp nuôi con còn chồng cũ của bạn có trách nhiệm cấp dưỡng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chồng cũ của bạn vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ này.
Căn cứ theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, cụ thể:
1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.
Trong trường hợp này, bạn làm Đơn đề nghị thi hành án về cấp dưỡng nuôi con gửi đến Chi cục thi hành án. Sau khi nhận được Đơn yêu cầu thi hành án của bạn, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ, các tài liệu nếu đầy đủ là hợp lệ thì sẽ ra quyết định thi hành án. Nếu trong quá trình xác minh phát hiện ra bên phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng không thi hành, thì bạn có đơn đề nghị cưỡng chế thi hành án. Trong trường hợp xác minh được là chồng cũ của bạn vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể thực hiện việc cấp dưỡng thì việc thi hành án có thể bị hoãn theo quy định của pháp luật.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn