Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ NN&PTNT đề xuất tiếp tục giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về thú y

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, hệ thống thú y ở tuyến huyện có nhiều xáo trộn, một số nơi sáp nhập trạm thú y huyện với các lĩnh vực khác gây khó khăn cho cơ quan thú y địa phương. Do đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sớm phối hợp, đánh giá tác động của công tác trên.

Ngày 6/7, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo thực trạng và đề xuất kiện toàn hệ thống thú y các cấp, sau thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban  Bí  thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ  tướng Chính phủ.
Theo Bộ NN&PTNT, ngày 19/6/2019, tại Kỳ họp thứ  9, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Thú y với tỷ lệ tán thành rất cao. Tổ chức thực hiện các quy định của Luật Thú y, Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện cơ sở pháp lý. Trong đó, hoàn thành xây dựng và trình tự ban hành 4 Nghị định của Chính phủ; 2 Quyết định của Thủ  tướng Chính phủ; 17 Thông  tư (bao gồm cả các thông tư sửa đổi, bổ sung). Đến nay, Việt Nam đã cơ bản có đầy đủ hệ thống pháp lý về công tác thú y.
Kiểm tra dịch bệnh trên đàn lợn tại Hà Nội
Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Triển khai Nghị  quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW nêu trên, hệ thống tổ chức ngành thú y ở địa phương đã có sự thay đổi. Tính đến hết tháng 3/2020, cả nước có 3/63 tỉnh, TP đã  sáp nhập chi cục thú y cấp tỉnh với các ngành nông nghiệp khác; có 36/63 tỉnh, TP đã sáp nhập trạm thú y cấp huyện (trực thuộc chi cục thú y cấp tỉnh) với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện; có 7/63 tỉnh, TP không có nhân viên thú y xã. Số lượng người làm công tác thú y của các địa phương bị cắt giảm, nghỉ việc là 6.282 người.
Theo Bộ NN&PTNT, một trong những nguyên tắc trong phòng, chống dịch là phát hiện sớm, xử lý nhanh triệt để, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Chống dịch như chống giặc”.
Tuy nhiên, thời gian qua hệ thống thú y ở tuyến huyện có nhiều xáo trộn, một số nơi sáp nhập trạm thú y huyện với các lĩnh vực khác như trồng trọt, bảo vệ  thực vật, khuyến nông… thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan thú y địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y và xúc tiến thương mại.
Với những tồn tại, bất cập cụ về hệ thống thú y nêu trên, thực hiện chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cũng như trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 6004/BNV-TCCB ngày 3/12/2019 về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ NN&PTNT đề xuất Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xem xét tiếp tục tổ chức giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về thú y. Đặc biệt, phối hợp với Bộ NN&PTNT đánh giá tác động của việc thay đổi, sáp nhập hệ thống thú y các cấp.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo các địa phương  tổ chức thực hiện “kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ  thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở, bảo đảm lực lượng tổ chức có hiệu quả công tác thú y, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh động vật”.