Bộ NN&PTNT thống nhất thay thế đê đất bằng bê tông

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/2, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi UBND TP Hà Nội cho ý kiến về phương án thiết kế, điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Theo đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục nhận được công văn số 326/UBND-ĐT ngày 24/1/2017 của UBND TP Hà Nội đề nghị thỏa thuận phương án thiết kế điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Sau khi xem xét, Bộ NN&PTNT thống nhất với đề nghị của UBND TP Hà Nội thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê tông cốt thép.

Về phương án thiết kế của TP Hà Nội đề nghị cao trình phần đê đất phía hạ lưu đê bê tông cốt thép ở cao trình +12,4m, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, kích thước, quy mô, kết cấu của đê bê tông cốt thép phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo an toàn chống lũ.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trước đó, ngày 7/12/2016, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản 10309/BNN-TCTL gửi UBND TP Hà Nội thống nhất với đề nghị của TP về phương án thiết kế xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương - đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn K62+500- K63+600 (từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương).

Cụ thể, điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, chiều dài 1.100m, thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị. Đồng thời mở rộng cửa khẩu An Dương từ 2 khoang lên 3 khoang với kích thước (2x6+4)m và xây dựng mới 3 cửa khẩu để thay thế các dốc lên đê hiện có (tại vị trí các ngõ 108, 276 và 310 Nghi Tàm) với kích thước 2x4m.

Điều chỉnh phương án thiết kế cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương - đường Thanh Niên với bề rộng mặt cầu từ 9m lên 10m, chiều dài cầu được điều chỉnh để nối tiếp phù hợp với mặt đường giao thông trên đê thiết kế.

Theo ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đây là tuyến đê cấp đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng phương án thiết kế phải đảm bảo công trình mặt đê đất sau khi hạ thấp không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình.

Đồng thời tổ chức khảo sát địa chất công trình để tính toán, lựa chọn giải pháp gia cố phù hợp, đảm bảo an toàn chống lũ, đặc biệt là giải pháp gia cố chống thấm nền đê. Cùng với đó kiểm tra, rà soát việc tính toán ổn định đê, tường chắn, cửa khẩu, khả năng chịu lực của hệ thống, khả năng đảm bảo kín nước của khớp nối tường chắn để lựa chọn quy mô, hình thức, kết cấu đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, lựa chọn giải pháp kết nối phù hợp mặt cắt đê với hiện trạng dân cư và công trình hiện có, trong đó đặc biệt lưu ý việc xử lý nối tiếp mặt đê, tường chắn tại vị trí đầu và cuối tuyến công trình, đảm bảo an toàn chống lũ. Việc thiết kế công trình phải có sự tham gia của các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi, đặc biệt trong việc tính toán, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn chống lũ ngay trong giai đoạn lập dự án.