Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ: Hy vọng sớm thực thi

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Đó là những con số được Bộ Nội vụ nêu ra trong bản báo cáo vừa gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói rằng, đây là những con số đang rất được dư luận mong đợi sẽ được triển khai.

 Ảnh minh họa
Đã nhiều năm nay, vẫn có không ít phàn nàn về vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ở một số ngành còn mang tính hình thức. Bởi thực tế, nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký học ngoại ngữ, tin học với thời gian rất ngắn, dẫn đến chất lượng các chứng chỉ không thực chất và cũng không phục vụ yêu cầu công việc. Cùng với đó, không ít chứng chỉ nghề nghiệp, chức danh khác vẫn gây ra không ít băn khoăn bởi cũng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch theo yêu cầu của các bộ chuyên ngành.
Có thể nói rằng, với những ngành đặc thù, quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hoặc chứng chỉ hành nghề là rất cần thiết, bởi phục vụ yêu cầu của quản lý Nhà nước và xuất phát từ việc nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của họ. Tuy nhiên, với một số ngành, lĩnh vực, thực sự đây là một quy định gây thêm rườm rà và không giúp ích được cho công tác chuyên môn. Hơn thế nữa, một thực tế là chất lượng đào tạo chứng chỉ hoặc các lớp bồi dưỡng chức danh chưa thực sự mang lại hiệu quả. Công chức, viên chức có trình độ thật, được công nhận trong thực tiễn vẫn phải “tất bật đi học” để có chứng chỉ theo quy định nhưng điều họ thu nhận chỉ toàn học lại kiến thức cũ, rất hình thức. Chính việc chỉ dạy những cái người ta đã học rồi, thậm chí đã làm thành thạo vừa lãng phí thời gian, tiền bạc lại còn dẫn đến tình trạng tiêu cực trong việc “mua” các văn bằng, chứng chỉ.

Chính Bộ Nội vụ sau khi rà soát cũng đã chỉ ra, cùng với những kết quả tích cực, nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm. Còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học. Đồng thời, việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ theo các cấp độ tương ứng…

Trong kiến nghị, đề xuất của Bộ trình lên Thủ tướng, có hai điểm đáng chú ý, đó là đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với tất cả 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng, để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm…

Có thể nói rằng, đề xuất này rất phù hợp thực tiễn, sẽ giúp nhiều công chức, viên chức thở phào “bỏ được gánh nặng” chứng chỉ. Việc rà soát lại về mức độ cần thiết, điều kiện bắt buộc và đặc biệt là nội dung, chương trình đào tạo có xuất phát từ yêu cầu tiêu chuẩn, vị trí việc làm hay không cũng nên làm sớm. Nếu không phù hợp thực tế, nên mạnh dạn loại bỏ để tránh lãng phí, tốn kém cho xã hội. Việc này cũng sẽ tránh tình trạng đổ xô đi học cái bản thân người học không để tâm, học xong không dùng đến, không mang lại lợi ích, thuận tiện cho công việc mà chỉ để bổ sung cho đủ hồ sơ.