Câu hỏi
“Mặc dù bỏ sổ hộ khẩu nhưng nhiều người dân vẫn gặp khó khăn khi đi thực hiện các thủ tục hành chính. Khi sổ hộ khẩu hết hiệu lực, cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp các giấy tờ khác ngoài 4 loại giấy tờ như Thẻ Căn cước công dân; Chứng minh nhân dân; Giấy xác nhận thông tin về cư trú; Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có đúng không?” – Nguyễn Anh Nguyên, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Trả lời
Kể từ ngày 1/1/2023, thực hiện theo Luật Cư trú 2020, sổ hộ khẩu không còn giá trị, mặc dù có các giấy tờ thay thế theo quy định. Nhưng thực tiễn, vẫn còn rất nhiều bất cập, khó khăn để thực hiện các thủ tục hành chính công như sang tên, mua bán đất, thủ tục tố tụng và các thủ tục trước đây yêu cầu phải có sổ hộ khẩu. Điều này có thể xuất phát từ việc thông tin cư trú của mỗi người có thể có nhiều thông tin như nơi sinh, nơi ở, nơi đăng ký thường trú, nơi có hộ khẩu.
Dù cơ quan nhà nước không yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu, nhưng lại bổ sung, yêu cầu xác minh nơi cư trú, xác nhận cư trú. Hoặc có thể phát sinh lỗi khách quan dẫn đến không thể cập nhật, khai thác đúng thông tin của công dân; dẫn đến hệ quả, có thể các cơ quan, địa phương sẽ phát sinh thêm các giấy tờ khác thay thế, làm rõ thông tin còn thiếu.
Trường hợp này, nếu thông tin đã được cập nhật trong 4 giấy tờ nên trên, bạn cũng không cần phải có trách nhiệm bổ sung. Trừ những trường hợp thông tin không có, không đầy đủ, sai sót thì bạn sẽ phải bổ sung, chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn