Bổ sung hơn 500 tín hiệu đường ngang, hệ số an toàn đường sắt liệu có tăng cao?

Quý Nguyễn/GTHN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc được bổ sung hệ thống tín hiệu tại 566 đường ngang có gác mang đến kỳ vọng lớn về việc hệ số an toàn giao thông đường sắt sẽ được nâng cao trong thời gian tới.

Hàng trăm đường ngang có người gác sẽ có thêm “tai mắt” khi được bổ sung hệ thống tín hiệu.
Hàng trăm đường ngang có người gác sẽ có thêm “tai mắt” khi được bổ sung hệ thống tín hiệu.

Hàng trăm đường ngang sẽ được thêm “tai mắt”

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có văn bản chỉ đạo việc giao kinh phí thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định 994.

Trong văn bản trên, Phó Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính về việc bổ sung từ nguồn dự toán chi các hoạt động kinh tế của ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thanh quyết toán các công trình đường ngang đã thực hiện, hoàn thành từ năm 2017 - 2019 và thực hiện, hoàn thành nâng cấp, cải tạo 82 đường ngang đang thực hiện dở dang từ năm 2020 xong trong năm 2022.

Văn bản nhấn mạnh, Bộ GTVT đặt hàng toàn bộ với VNR về việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu theo quy định đối với 566 đường ngang có người gác. Bộ Tài chính bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn để VNR thực hiện từ năm 2022 và hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 2023.

Thống kê của ngành đường sắt cho thấy, hiện nay trên toàn tuyến đường sắt có  5.317 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, 1.512 đường ngang, chiếm tỉ lệ 28,4% tổng số giao cắt, gồm.

Trong tổng số 1.512 đường ngang thì 659 là đường ngang có gác; 9 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động; 706 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động; 138 đường ngang phòng vệ biển báo.

Trước đó, VNR đã báo cáo và trình cấp có thẩm quyền xem xét bố trí nguồn vốn năm 2021 để nâng cấp, cải tạo 82 đường ngang biển báo. Đồng thời, đơn vị này cũng kiến nghị triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa, bổ sung đầy đủ tín hiệu đối với 566 đường ngang có người gác được xây dựng, khai thác từ nhiều năm trước nên chưa đảm bảo yêu cầu so với điều lệ đường ngang và các quy chuẩn mới ban hành.

Việc bổ sung hệ thống tín hiệu tại 566 đường ngang có gác được kỳ vọng sẽ tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt nhưng hàng trăm đường ngang này vốn đã có người gác chắn, nay lại tăng cường thêm “tai mắt” với hệ thống tín hiệu được bổ sung.

Hàng ngàn lối đi tự mở giao cắt đường sắt đang tồn tại chính là mối đe dọa lớn nhất với an toàn đường sắt.
Hàng ngàn lối đi tự mở giao cắt đường sắt đang tồn tại chính là mối đe dọa lớn nhất với an toàn đường sắt.

Lo ngại lớn hơn từ lối đi tự mở

 

Vào tháng 5/2020, Bộ GTVT đã tiến hành khởi công sác dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam trị giá 7.000 tỷ đồng. Các dự án được triển khai nhằm mục đích cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; đồng thời khi hoàn thành sẽ góp phần làm tăng tốc độ chạy tàu, đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm.

TS Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông nhận định, hạ tầng đường sắt sau một thời gian dài khai thác đã xuống cấp nghiêm trọng nên việc đầu tư nâng cấp là điều rất cần thiết. Khi hạ tầng được nâng cấp thì hệ số an toàn chạy tàu cũng sẽ được nâng cao.

Đường sắt vốn là một trong những loại hình giao thông có hệ số an toàn cao nhất. Tuy nhiên, trong thời gian qua tình hình tai nạn đường sắt có dấu hiệu gia tăng, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự xuống cấp của hạ tầng đường sắt” - TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Theo chuyên gia giao thông này, một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong công tác đảm bảo an toàn đường sắt thời gian qua chính là sự xuất hiện của quá nhiều đường ngang và lối đi tự mở. Trong đó, chính những lối đi tự mở đang là mối đe dọa lớn nhất với an toàn đường sắt bởi tại đây không hề có gác chắn cũng như hệ thống tín hiệu.

Thống kê của ngành đường sắt cho thấy, hiện cả nước có tới 3.805 vị trí lối đi tự mở giao cắt với đường sắt. Trong đó rất nhiều lối đi tự mở đã trở thành “điểm đen” của tai nạn đường sắt với không ít vụ tai nạn đã xảy ra.

TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định, cùng với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, bổ sung hệ thống đèn tín hiệu tại các đường ngang thì ngành đường sắt cần đặc biệt quan tâm tới công tác xóa bỏ lối đi tự mở giao cắt với đường sắt. Bởi đây mới chính là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và tai nạn đường sắt cao nhất.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần