Bổ sung tên cha dượng vào giấy khai sinh cho con thế nào?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Câu hỏi

Tôi là mẹ đơn thân, Giấy khai sinh của con tôi không có tên cha. Hiện giờ tôi lấy chồng thì lấy tên của chồng tôi (cha dượng) thêm vào giấy khai sinh cho con tôi thế nào?

Trả lời 

Chồng bạn hiện giờ không phải là cha đẻ của cháu bé nên bạn muốn làm lại Giấy khai sinh của cháu bé, bổ sung phần tên người cha là tên của chồng bạn thì đầu tiên chồng bạn cần làm các thủ tục để nhận cháu làm con nuôi (thủ tục để nhận con riêng của vợ làm con nuôi), sau đó tiến hành các thủ tục cải chính Giấy khai sinh cho cháu và bổ sung tên của chồng bạn vào phần tên người cha.

Thứ nhất, về việc nhận con nuôi:

Điều 5. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế

1. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được thực hiện quy định sau đây:

a) Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;

c) Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;

d) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

đ) Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

2. Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.

Theo quy định trên, chồng bạn thuộc hàng ưu tiên thứ nhất để lựa chọn gia đình thay thế cho con riêng của vợ .

Điều 8. Người được nhận làm con nuôi

"1. Trẻ em dưới 16 tuổi

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

Điều 14. Điều kiện đối với người nhận con nuôi

"1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này."

Căn cứ theo các quy định trên, nếu chồng bạn có đầy đủ các điều kiện nêu trên thì có thể nhận con riêng của vợ mình làm con nuôi. 

Thứ hai, về việc làm lại Giấy khai sinh

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con.

Đồng thời, khoản 2 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi quy định:

Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền thay đổi họ và quyền thay đổi tên. Trong đó, có đề cập đến đối tượng con nuôi cùng cha, mẹ nuôi. Cụ thể, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên:

- Quyền thay đổi họ: Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi (điểm b khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2015).

- Quyền thay đổi tên: Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt (điểm b khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Căn cứ quy định nêu trên, cha, mẹ nuôi có quyền thay đổi họ, tên cho con nuôi. Tuy nhiên, nếu người con nuôi đó từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của người đó. 

Về thủ tục thay đổi Giấy khai sinh cho con

Tại khoản 3 Điều 10 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi được sửa đổi bởi Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 19/2011 hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi:

Việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch thì trường hợp có sự thỏa thuận giữa mẹ đẻ của cháu bé và cha nuôi của cháu bé, sự đồng ý của con nuôi từ 9 tuổi trở lên về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; thì UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi Giấy khai sinh cũ, tại cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha nuôi. Thông tin bạn nêu không rõ về độ tuổi của con nên bạn căn cứ quy định để áp dụng thực hiện.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn