Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Việc của mình đừng đổ cho người khác”

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị triển khai Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học, sáng nay (6/1).

Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tập trung làm rõ một số nội dung căn bản, mang tính đột phá cũng như nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, nhà trường.
“Chúng ta đến đây không bàn tính khả thi hay nội dung khác của luật, cần trập trung vào các nội dung trọng tâm để triển khai” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: ''Tránh tình trạng vấn đề của mình cứ đi đổ cho người khác''. Ảnh: Bảo Thắng 
Theo đó, các chế định được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu tâm là việc thành lập trường, liên kết trường, các điều kiện để trở thành đại học.
Nội dung được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý chính là tính tự chủ trong nhà trường. Điển hình là quá trình thành lập, hoạt động và quản lý liên quan hội đồng trường. Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Cơ quan chủ quản có trách nhiệm như nào với hội đồng trường?”, và để nâng cao tính tự chủ thì phải tránh can thiệp thái quá vào mọi hoạt động của hội đồng trường.
“Tới đây phân công trách nhiệm như nào? Các bên cần làm gì? Ví dụ Bộ GD&ĐT cần tập trung công tác quản lý Nhà nước, không can thiệp hành chính sâu, rộng vào các nhà trường. Ngoài ra, các cơ quan liên quan cùng vào cuộc theo phân công, Bộ GD&ĐT là đầu mối” - ông Nhạ nói.
Phân tích, chỉ đạo kỹ về tính tự chủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dặn dò: “Tránh tình trạng vấn đề của mình cứ đi đổ cho người khác. Do vậy, các cơ sở cần tổ chức hội nghị để quán triệt sâu trong nội bộ về Luật 34 cho từng giáo viên. Tự chủ đây là luật ngấm vào từng giáo viên, từng cán bộ, từng giáo sư, hiểu đúng theo từng vị trí, trách nhiệm”.
Cũng theo vị đứng đầu ngành giáo dục, nếu nhắc đến tính tự chủ hiểu là các trường đại học là chưa sâu, mà phải ngấm đến từng người, từng thành viên ở từng cơ sở, trường học.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ làm rõ một số nội dung căn bản của nghị định hướng dẫn. Theo đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học đã nêu bật các nội dung, như việc thành lập hội đồng trường, thành lập, kiện toàn hội đồng trường đại học tư thục.
Đơn cử như việc phát triển trường đại học thành đại học, bà Phụng lưu ý các điều kiện mang tính quyết định, đó là các trường đã được đạt chuẩn chất lượng giáo dục đại học; có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.
Hay tại khối trường đại học tư thục, bà Phụng nhấn mạnh nội dung “hội nghị nhà đầu tư” hoặc câu chuyện góp vốn cũng được nhắc tới.