Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Y tế lên tiếng về chất cấm trong tương ớt Chinsu ở Nhật Bản

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/4, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, cơ quan này đang nhanh chóng làm rõ vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản cũng như nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa. Hiện Cục An toàn thực phẩm chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi này, tuy nhiên, Cục cũng đang chủ động kiểm tra về sự việc này và sẽ có thông tin chính thức sau khi đã xác minh vụ việc.

Vừa qua Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka (Nhật Bản) đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam do có chứa chất cấm ở nước này. Thông tin này đã khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam hoang mang lo lắng.

Theo kết quả phân tích của Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong các chai tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật ở mức 0,41-0,45 g/kg. Đây là chất cấm sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản. Điều này đã vi phạm khoản 2 điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật do axit benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.

Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa là 0,1%, tức 1 g/1 lít, 1 g/1 kg.

 Tưởng ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật Bản do chứa chất cấm

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện người ta chỉ đang quan tâm đến hàm lượng, nồng độ của chất phụ gia mà không quan tâm tới lượng ăn vào. Ví dụ, ở ngưỡng 0,1% axit benzoic có trong thực phẩm là an toàn, nhưng chúng sẽ không còn an toàn nếu lượng ăn vào quá nhiều, vượt hàm lượng cho phép.

“Tuy nhiên, với tương ớt, người ta chỉ ăn như gia vị, không ăn quá nhiều nên không đáng lo ngại. Theo chuẩn quy định, khi ăn một lít tương ớt mới nạp vào người 1 g axit benzoic.

Việc dùng axit benzoic lại tùy quốc gia có cho phép hay không cho phép vì còn tùy thuộc nhiều vấn đề khác. Nhật Bản là quốc gia không cho phép sử dụng trong tương ớt. Vì vậy, phải tùy sản phẩm bán cho nước nào để DN bổ sung chất đó hay không.Nhưng không ai ăn nhiều đến như vậy”, PGS Thịnh nói.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lý giải, axit benzoic là axit nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc.

Axit benzoic tác dụng theo cơ chế trực tiếp. Khi các phân tử Axit benzoic khuếch tán vào bên trong tế bào vi sinh vật nó sẽ tác động lên một số enzyme gây hạn chế sự trao đổi chất, làm ức chế quá trình hô hấp của tế bào, ức chế quá trình oxy hóa glucose và pyruvate, đồng thời làm tăng nhu cầu oxy trong suốt quá trình oxy hóa glucose nên có tác dụng ngăn cản sự phân đôi của vi khuẩn, ức chế sự phát triển của nấm men và nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm.

Khả năng chống nấm mốc của axit benzoic cao hơn đối với nấm men và vi khuẩn. Ngoài tương ớt, axit benzoic còn được dùng trong các thực phẩm khác như sữa lên men, quả ngâm giấm, hoa quả ngâm đường, các loại sản phẩm nước trái cây, rau thanh trùng, bánh kẹo,...

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, bản chất của chất bảo quản chắc chắn ít nhiều sẽ gây tác hại xấu tới sức khỏe, tuy nhiên, có ngưỡng chấp nhận được, bởi chúng còn an toàn hơn nếu thực phẩm bị nấm mốc.

Đối với con người, khi vào cơ thể tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài. Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Nếu ăn nhiều axit benzoic cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.