Bội thu từ sản xuất, kinh doanh

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hết tháng 11, thu ngân sách Nhà nước đã vượt dự toán năm và bội thu 280.000 tỷ đồng. Điều đáng mừng là nguồn thu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng thu bền vững từ khu vực sản xuất, kinh doanh.

Bội thu từ sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bội thu từ sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng đến thời điểm này, kinh tế
Việt Nam đã đạt được tăng trưởng ấn tượng. Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 11 tháng năm 2022 ước đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2021. Thu NSNN vượt dự toán chủ yếu nhờ hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan.

Đặc biệt, có 10 khoản thu vượt dự toán, trong đó có các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (thu từ khu vực DN Nhà nước đạt 104,3% dự toán, tăng 7,1%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 106,4% dự toán, tăng 10,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 111,6% dự toán, tăng 9,2%).

Nhìn vào những con số tăng trưởng ấn tượng trên có thể khẳng định, hoạt động kinh tế của Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng khả quan. Thu ngân sách đạt kết quả ngoài sự mong đợi trong bối cảnh giá khó khăn chung của cả thế giới và Chính phủ thực hiện các chính sách miễn giảm, giãn, hoãn nhiều loại thuế phí.

Điều đáng mừng hơn cả là một số khoản thu bền vững từ sản xuất - kinh doanh, thu nội địa, thu xuất nhập khẩu… có mức tăng khả quan. Với các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh kịp thời của Chính phủ, khai thác tốt nguồn thu và chống thất thu thuế, thu ngân sách đang ngày càng tăng theo hướng bền vững mà không phụ thuộc nhiều vào dầu thô và đất đai.

Cùng với đó, cơ quan Thuế, Hải quan cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Tăng thu bền vững sẽ giúp Nhà nước có nguồn lực chống dịch và hỗ trợ các DN gặp khó khăn, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, qua đó giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả trên có ý nghĩa rất quan trọng giúp cân đối thu chi ngân sách, giảm nợ công và có nguồn chi cho đầu tư phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô trong trước mắt và dài hạn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại, trên thực tế cơ cấu và mức độ động viên NSNN còn chưa thực sự bền vững. Thu NSNN còn trông vào các khoản thu từ đất, dầu thô và các khoản thu chưa bền vững.

Cùng với đó, dự báo thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm những năm tới đây khi Việt Nam thực hiện cắt giảm hàng rào thuế quan theo cam kết. Mức độ tiết kiệm của NSNN cho đầu tư phát triển giảm đáng kể so với 10 năm trước.

Theo đó, đảm bảo sự bền vững tài khóa trong trung và dài hạn thông qua cải cách hệ thống chính sách thuế cần phải được xem là một trong những ưu tiên chính sách của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn để người nộp thuế, DN phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng đóng góp cho NSNN.