Bôi trơn - điểm trừ của tiến trình cải cách thuế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng dẫn người dân kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Đống Đa. Ảnh: Chiến Công

Ngày 11/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Thuế đã công bố Báo cáo về mức độ hài lòng của DN với cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế năm 2014. Dù 71% DN được khảo sát hài lòng với các cải cách thủ tục thuế gần đây, tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, vòi phí bôi trơn của cán bộ thuế vẫn là điểm trừ lớn nhất với tiến trình cải cách thuế.     

Doanh nghiệp hờ hững -  vì sao?    

Báo cáo được VCCI thực hiện sau khi khảo sát hơn 2.500 DN ở 63 tỉnh, TP trên 5 lĩnh vực: Tiếp cận thông tin; thực hiện TTHC thuế; công tác thanh, kiểm tra thuế; sự phục vụ của công chức thuế; kết quả giải quyết công việc. Theo đó, sự hài lòng của các DN về các cải cách thuế là trên 71%. 58% DN cho rằng các thông tin về TTHC thuế là đơn giản, dễ hiểu; 90% DN đồng ý với nhận định thời gian thanh tra, kiểm tra đúng với thời hạn trong quyết định đã ban hành. "Khoảng 80% DN cho biết thái độ của cán bộ thuế đúng mực trong các lần làm việc tại DN" - Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết.
Hướng dẫn người dân kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Đống Đa.     Ảnh: Chiến Công
Kinhtedothi - Hướng dẫn người dân kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Đống Đa. Ảnh: Chiến Công
Những thay đổi của pháp luật thuế trong 5 năm qua được DN đánh giá cao với 92% nhận định tích cực. Trong số này, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN là 2 sắc thuế mà tỷ lệ DN nhận định có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện nhiều nhất. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, kết quả này thể hiện những cải cách mà ngành thuế đang làm là đúng hướng. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, số giờ nộp thuế đã được rút ngắn hơn 420 giờ. 

Mặc dù khảo sát này mang lại hiệu quả cho DN và cơ quan thuế nhưng DN vẫn hờ hững trong tham gia phản hồi các khảo sát về mức độ hài lòng của các cải cách thuế. Theo đó, tỷ lệ phản hồi điều tra trên mẫu gửi đi chỉ đạt ở mức 27%. Tỉnh có phản hồi cao nhất là 37%. Các tỉnh, TP lớn có tỷ lệ phản hồi thấp hơn các địa phương khác. “Mối quan hệ giữa DN và cơ quan thuế là tương đối “nhạy cảm”. Do đó, để DN tham gia khảo sát không phải dễ” - ông Tuấn cho biết. 

Là một người gắn bó với DN trong nhiều năm, chuyên gia độc lập Vũ Quốc Tuấn cho rằng, đến năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 mới có những chuyển biến tương đối rõ nét về vấn đề cải cách TTHC thuế. Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng trong quá trình cải cách, DN còn thờ ơ, ông Tuấn khẳng định: “Trong cải cách, vấn đề chính là cơ quan Nhà nước chứ không phải DN. Tại sao DN thờ ơ? Có lẽ bởi nói nhiều rồi nhưng sửa không bao nhiêu”. Chính vì vậy, theo ông Tuấn, những chuyển biến tích cực, đột phá trong thời gian qua cần được rút ra bài học cụ thể.

Bị phân biệt đối xử vì không bôi trơn 

Mặc dù đã có cải thiện về cải cách thủ tục, nhưng Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra nhiều tồn đọng trong ngành thuế hiện nay. Cụ thể, vấn đề về "chi phí không chính thức" với công chức thuế vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo kết quả khảo sát của VCCI, 32% DN cho biết họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. 40% DN cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả "phí" này.

Với công tác thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, có 26% DN cho biết nội dung này còn trùng lặp. Đây cũng là vấn đề được nhiều DN cho rằng "cần cải thiện”. Nói thêm về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, trong quá trình tiếp xúc với DN, cơ quan khảo sát cũng nhận được phản ánh tình trạng "lạm dụng". Thậm chí, có ý kiến cho rằng, DN càng lớn càng có xu hướng phải đón tiếp các đoàn thanh, kiểm tra. Đây cũng là thực tế được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận khi thẳng thắn chỉ ra tư duy "truyền thống" của một số cán bộ: "Kiểm tra không ra kết quả thì cảm thấy không hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, đây là vấn đề đang được sửa đổi theo hướng quản lý rủi ro, và quá trình này đòi hỏi phải xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 500.000 DN hiện tại. Trên cơ sở đó, ngành thuế phải xác định được vùng rủi ro và chỉ DN trong diện rủi ro, cơ quan chức năng mới được quyền thanh tra. "Đây là kinh nghiệm tốt của nhiều nước, không thể thanh kiểm tra theo cảm tính" - Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính: Chính sách càng minh bạch, càng công khai càng tốt
Phòng chống tham nhũng, giải quyết vấn đề đạo đức, năng lực phẩm chất cán bộ thuế... là những vấn đề mà Bộ Tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng đang quyết liệt thực hiện. Muốn giải quyết bài toán này căn cơ nhất vẫn là cải cách thể chế chính sách. Chính sách càng minh bạch, càng công khai càng tốt. Kê khai thuế qua mạng, triển khai thu ngân sách qua hệ thống ngân hàng là những giải pháp mà ngành thuế đang thực hiện để ngày càng công khai, minh bạch, hạn chế tối đa những nhũng nhiễu mà DN đã phản ánh.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam: Doanh nghiệp ngại đụng chạm và xin hai chữ “bình yên”
Cải cách thủ tục thuế là dành cho DN nhưng thực tế DN lại rất thờ ơ trong tham gia khảo sát kết quả hài lòng. Đây là điều đáng buồn. Thực tế, một số DN nói rằng, họ ngại đụng chạm và xin hai chữ “bình yên”. Để việc cải cách các thủ tục thuế nói riêng và TTHC nói chung, việc DN tham gia đóng góp ý kiến là rất cần thiết.