Cuộc thượng đỉnh liên Triều thứ 3 ngày 27/4 vừa qua ở Bàn Môn Điếm giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đạt được kết quả vượt quá những mong đợi của thế giới bên ngoài.
Cả những biểu hiện bề ngoài của hai vị này và nội dung của bản Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hoà bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên đều báo hiệu về một thời kỳ mới hoàn toàn khác 7 thập kỷ trước đó đang bình minh trên bán đảo này và ở khu vực Đông Bắc Á.
Lo ngại và hoài nghi về khả năng lần cấp cao này rồi sẽ lại như hai lần trước trên phương diện thoả thuận đã đạt được nhanh chóng trở nên hữu danh vô thực không phải hoàn toàn vô cớ. Nhưng rõ ràng là lạc quan về triển vọng có được bước chuyển giai đoạn thực sự hiện lại rất thực tế, bối cảnh tình hình chung lần này khác biệt cơ bản so với hai cuộc cấp cao trước đó và lần này không còn đơn thuần chỉ liên quan đến hai miền trên bán đảo Triều Tiên.
Những gì mà thế giới bên ngoài nhìn thấy được ở cuộc họp cấp cao liên Triều này đã tháo gỡ hết mọi vướng mắc cuối cùng và dọn bỏ mọi trở ngại cuối cùng đối với việc tiến hành cuộc cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên - giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump - dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới rất có thể ở Mông Cổ hay Singapore.
Kết quả cuộc cấp cao này và việc Mỹ cũng như Trung Quốc đều đã được Hàn Quốc và Triều Tiên thông tin và tham vấn về cuộc cấp cao liên Triều vừa qua sẽ là những đảm bảo cho thoả thuận giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un rồi đây sẽ được thực hiện. Đầu đã xuôi và đuôi chắc sẽ lọt.
Tuyên bố Bàn Môn Điếm giữa ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in đề cập đến tất cả những vấn đề vướng mắc lâu nay và cấp thiết phải giải quyết nếu hai nước trên bán đảo thật sự muốn gây dựng nên bước chuyển giai đoạn, trong đó đặc biệt có chuyện hoà giải và hoà hợp dân tộc cũng như cùng phát triển thịnh vượng.
Hai bên cam kết không xâm lược lẫn nhau, chấm dứt chiến tranh và mọi hành động thì địch nhau. Như thế thì Mỹ cũng không còn có lý do gì để không có hoà bình với Triều Tiên nếu như Mỹ và Triều Tiên tại cuộc thượng đỉnh tới đạt được thoả thuận về định hướng giải pháp dứt điểm, lâu bền và có thể kiểm chứng được cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Về chủ đề "phi hạt nhân hoá bán đảo", ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un chủ ý chỉ thể hiện sự đồng thuận quan điểm chung chung vì đây là vấn đề cốt lõi giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như để ông Trump có thể coi thoả thuận tới đây với Triều Tiên là thành quả đối ngoại của riêng mình.
Và khi chuyện phi hạt nhân hoá bán đảo đã được xử lý ổn thoả rồi giữa Mỹ và Triều Tiên, đồng thời lại được Trung Quốc hậu thuẫn nữa thì việc có được hiệp ước hoà bình cho bán đảo, thậm chí ngay trong năm nay như ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in đang hướng tới, không phải là chuyện xa vời và bất khả thi nữa.
Ở đây thể hiện rất rõ sự gắn kết với nhau và phân vai giữa hai cuộc cấp cao và bóng dáng của Mỹ và Trung Quốc ở cuộc thượng đỉnh liên Triều vừa rồi. Đấy cũng chính là một trong những nhân tố khiến cho có thể lạc quan là cả cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim Jong-un rồi cũng sẽ đạt được kết quả tích cực và đáp ứng được mong đợi chung của cả thế giới, lạc quan về một thời kỳ lịch sử mới trong hoà bình và hợp tác trên bán đảo Triều Tiên.