Thị trường chứng khoán Mỹ chịu áp lực trong phiên giao dịch khi số liệu kinh tế khả quan làm suy giảm khả năng Fed giảm lãi suất trong năm 2025, dẫn tới lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh và cổ phiếu công nghệ bị bán ồ ạt.
Chốt phiên, chỉ số S&P 500 sụt 1,11%, còn 5.909,03 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 178,2 điểm, tương đương 0,42%, về mức 42.528,36 điểm. Chỉ số Nasdaq Composire trượt 1,89%, còn 19.489,68 điểm. Cả ba chỉ số đã tăng điểm vào đầu phiên, nhưng để mất dần thành quả tăng rồi đảo chiều và kết thúc phiên trong sắc đỏ.
Theo báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 12 đạt mức tăng trưởng mạnh hơn dự báo. Số liệu này làm gia tăng mối lo về sự dai dẳng của lạm phát.
Sau khi báo cáo được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục xu hướng leo thang vốn có của thời gian gần đây do lo ngại rằng kế hoạch áp thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến lạm phát tăng nhiệt trở lại.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiến sát mốc 4,7%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2024.
“Thị trường đang điều chỉnh kỳ vọng về tỷ lệ lạm phát và các đợt cắt giảm lãi suất của Fed. Sự điều chỉnh đó dẫn tới cuộc bán tháo nhỏ này trên thị trường cổ phiếu sau tâm lý hứng khởi ban đầu của nhà đầu tư về dữ liệu nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ” - chiến lược gia cấp cao Tom Hainlin của công ty US Bank Management Group nhận định.
Chuyên gia Hainlin lưu ý rằng dữ liệu trên cũng phản ánh sức mua của người tiêu dùng và thị trường việc làm còn mạnh - những yếu tố cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ còn vững vàng, có lợi cho tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết.
"Thị trường đang dần nhận ra rằng họ từng đánh giá cuộc chiến chống lạm phát đã gần đến hồi kết, nhưng giờ đây có nguy cơ lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn”, ông Joe Mazzola- Giám đốc giao dịch và chiến lược phái sinh tại Charles Schwab đánh giá.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng việc làm cần tuyển dụng bất ngờ tăng lên trong tháng 11.
Các số liệu mới nhất chứng tỏ nền kinh tế vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ đã đẩy lùi những dự báo về thời điểm Fed có thể thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch hiện dự báo rằng đợt hạ lãi suất tiếp theo có khả năng diễn ra vào tháng 6 và Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong phần còn lại của năm 2025.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người còn lo ngại rằng kế hoạch tăng thuế nhập khẩu và thắt chặt nhập cư của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ làm gia tăng lạm phát ở Mỹ, gây sức ép lên Fed để giữ chi phí đi vay ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Chuyên gia trưởng về tiền tệ và cổ phiếu Susannah Streeter tại công ty môi giới Hargreaves Lansdown nhận định thị trường lo ngại về kế hoạch thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump sẽ gây lạm phát cho các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Theo bà Streeter, các mức thuế mới có thể khiến giá tiêu dùng gia tăng, buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức cao, và làm đồng USD mạnh lên. Điều này đang gây ra tác động đến thị trường trái phiếu và dẫn đến một đợt bán tháo trên toàn thế giới.
Nhà kinh tế trưởng Bill Adams của Comerica Bank lưu ý thêm: "Sự kết hợp giữa tăng trưởng vững chắc của kinh tế Mỹ và nguy cơ lạm phát tăng nhiệt có thể buộc Fed chuyển hướng tạm dừng nới lỏng chính sách trong năm nay”.
Ngoài những lo ngại về lạm phát, nhà đầu tư cũng đã chốt lời từ một số công ty công nghệ và bán dẫn vốn hóa lớn, góp phần vào đợt giảm của thị trường trong phiên 7/1.
Cổ phiếu Nvidia la dốc tới 6,2% sau khi đạt mức cao kỷ lục. Cổ phiếu Tesla giảm 4% sau khi bị các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America cắt giảm khuyến nghị vì mức định giá cao và những rủi ro liên quan đến chiến lược kinh doanh. Cổ phiếu Meta Platforms, Apple và Microsoft đồng loạt mất hơn 1%.
Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa vào ngày 9/1, ngày quốc tang để tưởng niệm cựu Tổng thống Jimmy Carter.