KTĐT - Châu Âu từng cảnh báo, việc đồng Euro tăng cao có thể tác động tiêu cực đến sự phục hồi yếu ớt của khu vực này do xuất khẩu giảm.
Việc duy trì tỷ giá hối đoái thấp giả tạo là chính sách gây thiệt hại cho tất cả các nền kinh tế, Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời phỏng vấn của tờ nhật báo Die Welt.
Theo bà, chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thông qua kiềm chế đồng nội tệ thấp giả tạo là hết sức thiển cận và nguy hiểm mà hậu quả là gây tổn hại cho các nền kinh tế.
Ngoài ra, tỷ giá bị bóp méo còn làm suy yếu đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Nữ Thủ tướng Đức bày tỏ hy vọng tại hội nghị thượng đỉnh G-20 tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận nghiêm túc về các mức tỷ giá thích hợp.
Phát biểu tại Berlin (Đức), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cũng khẳng định, chỉ có những tỷ giá dựa trên cơ sở thị trường mới thể hiện đúng bản chất của một nền kinh tế và đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các quốc gia, khu vực.
Ông Van Rompuy bày tỏ sự không hài lòng đối với việc Mỹ đang khuyến khích đồng USD yếu để kích thích xuất khẩu. Theo ông, những nền tảng của nền kinh tế như lạm phát và thâm hụt thấp phải mang tính chắc chắn. Nếu thiếu điều này, bóng ma của chủ nghĩa bảo hộ sẽ quay trở lại.
Châu Âu từng cảnh báo, việc đồng Euro tăng cao có thể tác động tiêu cực đến sự phục hồi yếu ớt của khu vực này do xuất khẩu giảm.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nêu vấn đề đồng USD yếu tại hội nghị G-20 lần này, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế nước này làm dấy lên những chỉ trích của thế giới.
Liên quan tới kinh tế Mỹ, theo công bố của Bộ Thương mại nước này, thâm hụt thương mại tháng 9 đã giảm mạnh hơn dự báo, nhờ kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất trong vòng 2 năm qua trước việc USD sụt giá.
Cụ thể, thâm hụt thương mại tháng 9 giảm 5,3% xuống 44 tỷ USD, thấp hơn dự báo 45 tỷ USD của các nhà kinh tế. Trong đó, xuất khẩu tăng 0,3% lên 154,.1 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 8/2008, nhờ lực cầu máy bay, máy phát điện và thực phẩm.
Kim ngạch nhập khẩu giảm 1% xuống 198,1 tỷ USD do nhu cầu ô tô và hàng hóa tiêu dùng như dược phẩm và quần áo suy yếu.
Đồng USD suy yếu đang khiến hàng hóa của Mỹ ở nước ngoài rẻ hơn. Đồng thời nhu cầu tại các nền kinh tế mới nổi cũng đẩy mạnh doanh thu bán hàng quốc tế của các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ.
Đổi lại, hàng hóa từ các nước khác lại trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới, giúp thương mại đóng góp vào tăng trưởng GDP lần đầu tiên trong năm.
Triển vọng xuất khẩu của Mỹ sẽ tiếp tục khả quan do các nước mới nổi từ Trung Quốc cho tới Ấn Độ và Brazil đang trong quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, và ngày càng có nhiều người dân tại các nước này có khả năng chi trả cho hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài.
Cũng trong ngày hôm qua, Trung Quốc công bố thặng dư thương mại tháng 10 của nước này tăng lên 27,15 tỷ USD từ mức 16,9 tỷ USD trong tháng 9 và vượt mức dự báo 26,4 tỷ USD của các nhà kinh tế.
Trong đó, nhập khẩu tăng 25,35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 108,83 tỷ USD, xuất khẩu tăng 22,9% lên 135,98 tỷ USD. Tuy nhiên, thặng dư thương mại 10 tháng đầu năm giảm 6.7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 147.77 tỷ USD.
Kết quả trên có thể làm gia tăng sự chỉ trích về chính sách thương mại không công bằng của chính phủ Trung Quốc thông qua việc định giá thấp đồng Nhân dân tệ.
Hôm 9/11, Trung Quốc đã cho phép đồng Nhân dân tệ tăng mạnh nhất so với đồng USD kể từ tháng 7/2005. Cụ thể, đồng NDT tăng 0,5% lên 6,644 Nhân dân tệ/USD. Như vậy, từ đầu năm tới nay, Nhân dân tệ đã tăng khoảng 2,7% so với USD.
Cũng liên quan tới Trung Quốc, hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa yêu cầu một số ngân hàng lớn của nước này tăng dự trữ bắt buộc thêm 0,5%. Yêu cầu sẽ có hiệu lực từ 15/11.
Quy định mới này sẽ áp dụng đối với ngân hàng Bank of Communication cùng với bốn ngân hàng lớn của Trung Quốc là Bank of China Ltd., Agricultural Bank of China Ltd., Industrial & Commercial Bank of China Ltd (ICBC) và China Construction Bank.
Theo tính toán của Bank of America – Merrill Lynch, động thái này, với việc yêu cầu các ngân hàng nêu trên dự trữ tới 18% giá trị tài sản, sẽ rút ra khỏi hệ thống khoảng 180 tỷ Nhân dân tệ (27,1 tỷ USD).
“Nguyên nhân đứng sau quyết định này khá rõ ràng: nhằm thắt chặt dòng tiền chảy vào thị trường Trung Quốc, dù dưới hình thức thặng dư thương mại hay vốn nóng” một việc chức thuộc Bank of America – Merrill Lynch lưu ý.
Nếu thông tin này đáng tin cậy, thì đây là lần thứ 2 trong vòng một tháng qua, Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng tăng dự trữ bắt buộc. Hôm 11/10, nước này đã yêu cầu 6 ngân hàng thương mại lớn tạm thời tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% lên 17,5%, nhằm kiểm soát thanh khoản và duy trì tính linh hoạt khi nền kinh tế dần ổn định.
Hôm qua, Cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết, giá bất động sản tháng 10 tại 70 thành phố lớn tăng 8,6%, mức tăng khiêm tốn nhất trong 10 tháng qua khi chính phủ nước này thực hiện các biện pháp hạn chế nguy cơ bong bóng tài sản.
Các nhà phân tích dự báo lạm phát tháng 10 của Trung Quốc có thể tăng tốc 4%, nhịp độ nhanh nhất trong hai năm qua. Theo dự kiến, lạm phát tháng 10 sẽ được công bố chính thức vào ngày 11/11.
Liên quan tới vấn đề nợ công tại châu Âu, theo hãng tin Reuters, thâm hụt ngân sách 2010 của Hy Lạp có thể giảm nhẹ hơn so với dự báo ban đầu, vào khoảng 9,3% GDP, do tăng trưởng doanh thu yếu kém và mức thâm hụt 2009 cao hơn sau điều chỉnh.
Trước đó, trong dự thảo ngân sách 2011 được công bố hồi đầu tháng 10, Hy Lạp ước tính thâm hụt ngân sách năm nay sẽ giảm xuống còn 7,8% GDP từ mức 13,8% trong năm 2009.