Bớt ảo, thêm thật

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân chuyến thăm vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phía Philippines cho biết quyết định rút lại ý định hủy thỏa thuận với Mỹ về việc quân đội Mỹ được hiện diện theo cơ chế luân phiên trên lãnh thổ Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana sau cuộc gặp song phương ngày 30/7. (Nguồn: Reuters)
Xưa nay, giữa Mỹ và Philippines đã hình thành truyền thống về hợp tác trên lĩnh vực quân sự và an ninh mà thỏa thuận này là một trong những biểu tượng cũng như bằng chứng. Sau khi lên cầm quyền ở Philippines, tổng thống nước này Rodrigo Duterte đã sử dụng thỏa thuận ấy làm một con chủ bài trong xử lý quan hệ của Philippines với Mỹ và Trung Quốc.
Trái ngược với người tiền nhiệm, ông Duterte chủ trương cách xa Mỹ để ngả lệch về phía Trung Quốc bởi hai nguyên do chính. Thứ nhất, Mỹ làm ông Duterte rất không hài lòng khi phê trách nhiều quan điểm định hướng chính sách đối nội của ông Duterte. Thứ hai, người này dường như cho rằng khi xa cách Mỹ và xích lại gần Trung Quốc thì có thể kiềm chế được việc Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông. Tuyên bố ngừng hiệu lực của thỏa thuận nói trên với Mỹ là một trong những quyết sách đối ngoại của ông Duterte theo hướng mưu tính ấy. Phía Mỹ tìm mọi cách để níu kéo và vớt vát bởi sự hiện diện quân sự trực tiếp của quân đội Mỹ nói riêng và việc duy trì mối quan hệ hợp tác liên minh quân sự truyền thống với Philippines nói riêng có tầm quan trọng to lớn đối với chiến lược của Mỹ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bây giờ, ông Duterte chuyển ý bởi hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là đến thời điểm cuối nhiệm kỳ cầm quyền, người này không thể không nhận thấy rằng kỳ vọng ban đầu về Trung Quốc đã chứng tỏ là ảo tưởng và Philippines về lâu dài vẫn phải chơi con bài Mỹ trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Thứ hai, nhiệm kỳ cầm quyền của ông Duterte sắp kết thúc và những người kế nhiệm tiềm năng, dù thuộc bất kỳ phe cánh chính trị nào, đều có những biểu hiện không tiếp nối nhiều định hướng chính sách đối nội cũng như đối ngoại của ông Duterte, trong đó có vấn đề Philippines nên cân bằng hay thiên lệch như thế nào giữa Mỹ và Trung Quốc.