Đa số các thượng nghị sỹ Anh hôm 7/3 đã bỏ phiếu nhất trí sửa đổi dự luật về trao quyền cho Thủ tướng Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, mở đường cho các đàm phán Brexit. Theo đó, chính phủ phải bổ sung một số thay đổi như cho phép Quốc hội quyền quyết định kết quả cuối cùng của thỏa thuận giữa Anh và EU sau 2 năm đàm phán về Brexit. Ngoài ra, Thượng viện Anh còn yêu cầu bổ sung điều khoản nhằm đảm bảo quyền lợi cư trú không thay đổi hậu Brexit cho hơn 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh.
Do vấp phải trở ngại mới này nên dự luật kích hoạt Brexit của Chính phủ Anh sẽ phải quay trở lại Hạ viện để xem xét, tranh luận vào đầu tuần tới. Giới quan sát nhận định, việc làm này sẽ khiến tiến trình thông qua dự luật Brexit bị chậm lại so với kế hoạch (13/3). Đây là kết quả của cuộc “nổi loạn” ngầm trong Thượng viện Anh. Cựu phó Thủ tướng Anh Michael Heseltine, là một trong những nhân tố dẫn đầu để thông qua việc sửa đổi dự luật này, cùng với các giới chức Công đảng đối lập, Dân chủ tự do và các nghị sỹ trung lập khác. Với luận điểm coi Quốc hội là trung tâm xử lý các vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia, ông Heseltine đã thúc giục, vận động hành lang nhằm góp phần dẫn tới kết quả bỏ phiếu hôm 7/3. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Nội các Douglas Hogg khẳng định, quyết định này dù làm chậm tiến trình Brexit cũng cần thiết, để tránh tình trạng quá trình Brexit bắt đầu mà chưa nhận được đồng thuận ở tất cả cơ quan công quyền. Bước tiếp theo của tiến trình thông qua Dự luật Brexit sẽ có thể là một màn “lập pháp bóng bàn” giữa Thượng viện và Hạ viện Anh.Cho dù Thượng viện có quyền để xuất sửa đổi bổ sung vào luật, họ không có quyền phủ quyết (từ chối thông qua luật). Mọi sửa đổi bổ sung do Thượng viện đưa ra đều phải được Hạ viện Anh chấp thuận. Theo đó, có khả năng xảy ra một tình huống là Thượng viện cứ đòi sửa, Hạ viên cứ đòi bác, qua lại như một ván bóng bàn, cho đến khi một trong hai bên chịu xuống nước. Tuy nhiên, điều mà Thủ tướng May lo ngại nhất là dự luật sửa đổi có thể vấp phải sự phản đối từ những thành viên trong nội bộ Đảng cầm quyền.
Tuy nhiên, lộ trình Brexit bị chậm trễ không phải vấn đề của riêng chính quyền Anh. Sự chia rẽ trên thượng tầng chính trường cũng đang biểu đạt phần nào đó tâm thế hoang mang tồn tại trong xã hội Anh. Những người ủng hộ Brexit, cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được phần còn lại rằng đây là một quyết định đúng đắn, và cần phải thực hiện bằng mọi giá. Mặt khác, trì hoãn Brexit sẽ không chỉ là "cơn đau đầu" của riêng nước Anh. Các thành viên EU đã “rục rịch” xem xét phân chia trách nhiệm cáng đáng phần đóng góp tài chính gần 9 tỷ Euro/năm vốn thuộc về nước Anh. Kể cả khi EU dự định đòi hỏi Anh tiếp tục hỗ trợ một phần ngân sách, cho đến năm 2019, thì việc đầu tiên phải diễn ra vẫn là một sự dứt khoát trong "cuộc ly hôn" lịch sử. Chỉ khi đó mọi kế hoạch mới có thể được cụ thể hóa ở tốc độ nhanh nhất, để chính EU cũng thật sự thay đổi, tìm lại động lực và những con đường mới.