Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bùng nổ thương mại điện tử

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ; là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế.

 

Hơn hết, TMĐT đã dần thay đổi thói quen mua sắm của người Việt để phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại của thế giới.

Thay đổi thói quen mua sắm

Lễ mua sắm giảm giá Black Friday năm 2023 không còn cảnh tấp nập xếp hàng dài tại các cửa hàng, trung tâm thương mại lớn. Như vậy không có nghĩa là sức mua giảm, mà ngồi ở nhà chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính cùng vài cú click chuột là những tín đồ shopping có thể “mua cả thế giới”. Điều đó cho thấy sự bùng nổ của TMĐT tạo điều kiện thuận lợi trong mua bán, giao dịch hàng hóa và trở thành thói quen của người tiêu dùng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là người ưa chuộng mua sắm trực tuyến, chị Đoàn Thị Thu Hà (quận Long Biên, Hà Nội) thường xuyên lên các sàn TMĐT, tải các app của siêu thị để săn hàng. “Mùa giảm giá Black Friday lần này, tôi không phải chen chân trong các trung tâm thương mại để mua hàng nữa. Chỉ cần một vài cái click chuột trên các trang bán hàng như: Shopee, Lazada, Postmar, Sendo hoặc dùng app của siêu thị là có thể tìm kiếm được những món đồ yêu thích mà không cần tốn thời gian xếp hàng” - chị Hà chia sẻ.

Để bắt kịp với nhu cầu của người tiêu dùng, các công ty bán lẻ, hệ thống các siêu thị cũng chuyển mình mạnh mẽ khi đồng loạt triển khai hình thức dịch vụ đặt hàng qua app, Zalo, website đồng thời liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày.

Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart (khu vực Hà Nội) cho hay, 3 năm gần đây, doanh thu kênh bán hàng online của Co.opmart đã tăng trưởng 10 – 15%/năm. Theo Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam Đặng Anh Dũng, có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022, tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trong đó, có tới 43% người dùng Gen Z truy cập ứng dụng mua sắm hàng ngày.

Chính sự bùng nổ của TMĐT đã đồng thời kéo theo xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Từ chỗ xa lạ, tới nay thanh toán không dùng tiền mặt đang dần hình thành thói quen với người tiêu dùng. Việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ trong chi trả các phí dịch vụ như tiền điện, nước, internet, thanh toán học phí, viện phí mà cũng đang ngày càng phổ biến trong tiêu dùng hàng ngày. Không chỉ tại siêu thị, nhà hàng, mà hầu hết các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ đều áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hình thức chuyển khoản, quét mã QR hoặc qua các ví điện tử như Viettel money, Mobile money, VN PAY…

Siết quản lý, người tiêu dùng cần tỉnh táo

Thông tin từ Bộ Công Thương, TMĐT tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, với doanh thu ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023. Trước đó, nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ cả nước mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD) và tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020.

Đến năm 2022, con số này tăng trưởng 20% so với năm trước, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 triệu USD/năm.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được vẫn còn những bất cập trong hoạt động TMĐT như tình trạng hàng giả, hàng lậu được rao bán tràn lan trên các sàn, trang mạng xã hội mà cơ quan chưa có phương án quản lý hiệu quả.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh nhận định, trong 2 năm trở lại đây, trước những thuận lợi trong mua sắm hàng hóa mà TMĐT mang lại, người mua dần thay đổi thói quen, dẫn đến các cơ sở kinh doanh truyền thống phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để dịch chuyển phương thức kinh doanh phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện thì việc mua bán trên sàn TMĐT đang tạo ra những thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

 

 

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TMĐT, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát các quy định pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng; phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

 

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh kiến nghị, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ T.Ư tới lực lượng quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên TMĐT.