Với công nghệ VoIP, kẻ gian không chỉ giấu được số điện thoại gọi mà còn giả mạo được số khác dù cho đó là số của cơ quan chức năng hay bất cứ đơn vị nào để đánh lừa bị hại. Để tránh trở thành nạn nhân, người dân nên lưu ý những điểm sau: Cẩn trọng với những số điện thoại lạ, đặc biệt là người đầu dây tự xưng là cơ quan chức năng, tòa án, công an, ngân hàng ... để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hay thông báo dính líu tới vụ án nào đó. Bởi, cơ quan chức năng chỉ làm việc tại trụ sở và có thông báo bằng văn bản chứ không làm việc qua điện thoại; Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ, không biết rõ nguồn gốc. Việc đăng tải bất kỳ thông tin cá nhân nào lên mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến cần cân nhắc kỹ, bởi kẻ gian có thể sẽ bị kẻ gian lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong trường hợp nếu nghi ngờ một số điện thoại là lừa đảo, để chắc chắn hơn, người dùng có thể tra cứu số này trên Google, bởi có nhiều số điện thoại dạng này được đưa lên mạng để cảnh báo người khác không bị mắc bẫy. Hoặc gọi trực tiếp đến cơ quan chức năng để xác minh. |
Bùng phát thủ đoạn lừa đảo gọi điện, tin nhắn
Kinhtedothi - Thời gian qua, đã có nhiều người dân bị các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn giả mạo cuộc gọi hoặc nhắn tin để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.
Bộ Công an cho biết, đây là thủ đoạn rất tinh vi, cần được người dân nhận biết, quan tâm, nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của chính mình.
500 tỷ đồng bốc hơi sau cuộc gọi từ “Bộ Công an”
Mới đây, Bộ TT&TT đã gửi đến các thuê bao di động cảnh báo về việc không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đồng thời, tin nhắn cũng đề nghị người dân, nếu gặp phải tình trạng trên, cần trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.
Sở dĩ cơ quan chức năng phải phát ra cảnh báo diện rộng như trên do chiêu trò lừa đảo qua điện thoại đã bùng phát mạnh trở lại trong thời gian gần đây. Mặc dù phương thức thực hiện lừa đảo của kẻ gian đã cũ, xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng vẫn không ít người bị dính bẫy. Không chỉ vậy, cũng không hiếm trường hợp bị hại do gặp phải các thủ đoạn có tính chất tinh vi cao, từ đó khiến số tiền thiệt hại không chỉ vài triệu mà còn lên tới hàng trăm, hàng tỷ đồng.
Điển hình là vụ án lừa đảo qua điện thoại được Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá. Cụ thể, có tổng số 10 đối tượng đã giả lập số điện thoại của Bộ Công an để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân. Không chỉ áp dụng các thủ đoạn cũ, ổ nhóm này còn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, thậm chí còn có sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài để thực hiện hành vi lừa đảo. Tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 500 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra ban đầu, chủ mưu là nhóm đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), cầm đầu và thuê các đồng phạm là người Malaysia và Việt Nam. Các đối tượng người Malaysia được nhóm Đài Loan chỉ đạo nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích mua thông tin cá nhân của người Việt. Thông tin sau khi có được sẽ chuyển về cho nhóm người Đài Loan. Lúc này, nhóm người Đài Loan sử dụng tổng đài VoIP để giả danh số điện thoại cơ quan công an, viện kiểm sát gọi điện đe dọa nạn nhân với các lý do dính dáng tới vụ án nghiêm trọng về ma túy, rửa tiền...
Nếu nạn nhân có biểu hiện dính bẫy, nhóm đối tượng trên sẽ yêu cầu họ lập tài khoản mới, đăng ký Internet Banking, chuyển tiền vào tài khoản mới và cài ứng dụng giả mạo của Bộ Công an do chúng giả lập. Ngay sau khi cài xong, tiền sẽ bị chuyển sang tài khoản khác mà chính các bị hại không hề hay biết toàn bộ tiền trong tài khoản của mình đã bị chiếm đoạt. Đường đi của số tiền phi pháp trên cũng khá lắt léo, khi tài khoản chứa chúng được lập bởi người Việt, sau đó được chuyển cho nhóm người Malaysia, cuối cùng mới đến tay của đối tượng Đài Loan.
Từ tháng 9/2019 đến 1/2020, đã có 90 bị hại bị nhóm đối tượng trên lừa đảo. Dựa vào số lượng thẻ ngân hàng mà cơ quan công an thu được của nhóm lừa đảo, ước tính số tiền chúng chiếm đoạt của các bị hại trên khắp cả nước lên đến hơn 500 tỷ đồng. Đặc biệt, tại thời điểm bị bắt, nhóm đối tượng trên còn đang nắm giữ thông tin của hơn 100.000 tài khoản ngân hàng của người Việt Nam. Cơ quan công an đang khẩn trương hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra mở rộng.
Mặc dù các thủ đoạn lừa đảo tương tự như trên liên tục được các cơ quan chức năng cảnh báo trên các phương tiện truyền thông cũng như không hiếm trường hợp nạn nhân bị lừa đảo hàng tỷ đồng được báo chí phản ánh nhưng số lượng người dính bẫy vẫn không ngừng gia tăng trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Bức xúc trước tình trạng này, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan phát hiện có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo như trên...
Giả danh thương hiệu lớn
Bên cạnh tình trạng lừa đảo qua cuộc gọi, Bộ Công an cho biết thêm, thời gian qua, đã có nhiều người dân bị các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, rất tinh vi, cần được người dân nhận biết, quan tâm, nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của chính mình.
SMS Brand Name là tin nhắn thương hiệu, được các tổ chức, cá nhân đăng ký độc quyền tại các nhà mạng viễn thông và sử dụng làm dịch vụ gửi tin nhắn hàng loạt đến các khách hàng, để chăm sóc khách hàng, quảng bá hình ảnh, thông báo nội dung, chính sách mới… Theo nguyên tắc, khi tin nhắn Brand Name đã được đăng ký tại các nhà mạng thì các tổ chức, cá nhân khác không được phép đăng ký trùng tên thương hiệu.
Thời gian trước đây và hiện nay, phương thức thủ đoạn lừa đảo phổ biến của các đối tượng vẫn là sử dụng số điện thoại bất kỳ (SIM rác) để phát tán nội dung lừa đảo. Hành vi lừa đảo này đã được cảnh báo, tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo đã thay đổi phương thức, thủ đoạn là giả mạo tin nhắn thương hiệu - SMS Brand Name của các ngân hàng, nguy hiểm hơn là các tin nhắn giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu “thật” của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng. Do đó, người dân, khách hàng của các ngân hàng sẽ rất dễ nhầm tưởng đây là thông báo chính thức từ các ngân hàng hay các cơ quan hữu quan. Đây là thủ đoạn rất tinh vi và hoàn toàn mới.
Thủ đoạn của các đối tượng: Bằng nhiều nguồn khác nhau, sau khi có được thông tin khách hàng của các ngân hàng, các đối tượng sẽ gửi các tin nhắn giả mạo SMS Brand Name đến khách hàng đó. Trong nội dung các tin nhắn giả mạo này luôn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo do các đối tượng quản lý (các trang web này có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng) nên người dân dễ lầm tưởng, mất cảnh giác. Khi người dân truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng và được yêu cầu điền các thông tin như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…
Khi có được các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được các hành vi như chuyển khoản, mở thấu chi, topup thẻ tín dụng, đăng ký vay online…
Các loại tin nhắn thường dưới dạng: “Trân trọng thông báo tới Quý khách! Tài khoản của bạn sẽ bị tạm ngưng dịch vụ vào ngày 1 tháng 11. Quý khách nhanh chóng đăng nhập vào http://www.***bank.top để cập nhật trực tuyến” hoặc “Kính gửi người dùng ***Bank, điểm tài khoản của bạn đã được đổi thành điều kiện quà tặng. Vui lòng đăng nhập www.***bank.vip ngay để đổi quà. Nếu quá hạn, nó sẽ không được chấp nhận”…
Bằng phương thức thủ đoạn trên, thời gian qua, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng với số tiền rất lớn, xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Với phương thức phát tán tin nhắn Brand Name giả mạo ngân hàng, khách hàng rất khó để phân biệt được thật giả, nếu không tuyên truyền, cảnh báo đến người dân một cách kịp thời thì không chỉ gây thiệt hại tài sản của các khách hàng, mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của các ngân hàng nói riêng và cả hệ thống thanh toán nói chung. Thủ đoạn này sẽ đặc biệt nguy hiểm, khi bị các đối tượng xấu lợi dụng để giả mạo các thông báo chính thức của cơ quan nhà nước, gửi tin nhắn xuyên tạc, không đúng sự thật đến người dân.