Triển khai Đề án hiện đại hóa bộ phận Một cửa

Bước cải cách đột phá đáp ứng chính quyền đô thị

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành Quyết định về "Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hiện đại các cấp”.

Đề án được cán bộ, công chức (CBCC) các địa phương đánh giá sẽ kịp thời giải quyết những tồn tại hiện nay và xây dựng một quy chuẩn chung, đồng bộ cho bộ phận một cửa (BPMC) các cấp, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số và thay đổi tích cực trong tác phong, quy trình làm việc nhằm chuẩn hóa theo mô hình chính quyền đô thị, song cũng cần được khắc phục những hạn chế bất cập từ thực tế triển khai để đạt hiệu quả cao nhất trong phục vụ người dân.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải

Hướng tới quy chuẩn chung đồng bộ

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đạt kết quả đáng ghi nhận trong công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC, với điểm Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 nằm trong top 10 tỉnh, TP có điểm chỉ số cao. Tuy nhiên, TTHC trên nhiều lĩnh vực như đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, hộ tịch… còn nhiều rào cản. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng BPMC các cấp mới cơ bản dừng ở mức đáp ứng yêu cầu tối thiểu, chưa đạt tiêu chuẩn hiện đại, như diện tích và không gian giao tiếp một số nơi hạn chế; trang thiết bị nhiều nơi thiếu, hỏng…

Để khắc phục tình trạng đó và xây dựng một quy chuẩn chung, đồng bộ cho BPMC các cấp trên địa bàn TP hiện đại với bản sắc, thương hiệu và yêu cầu thiết kế nội, ngoại thất, biển hiệu, trang phục, biển tên, giao diện… gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là yêu cầu cấp thiết; đồng thời, được TP xác định là một nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số, CCHC, đổi mới việc thực hiện một cửa, một cửa liên thông trong các năm tiếp theo.

Đề án triển khai sẽ góp phần tạo lập thương hiệu BPMC hiện đại đồng bộ toàn TP, hình thành môi trường làm việc thống nhất, văn minh; làm thay đổi thái độ, trách nhiệm của CBCC viên chức trong thực thi công vụ, hướng tới nền hành chính phục vụ; giúp cơ quan hành chính Nhà nước có quan tâm đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC; thay đổi thói quen, cách nhìn của người dân trong mối liên hệ với cơ quan hành chính khi muốn giải quyết TTHC.

Trong đó, TP thống nhất thực hiện sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn chung về màu sắc, kích cỡ, tên gọi trên các ứng dụng điện tử, ứng dụng văn phòng, trang phục và các thiết kế khác tại BPMC và hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, nâng cao tính chuyên nghiệp của CBCC tại BPMC thông qua các dịch vụ công trực tuyến...

Đề án được đánh giá sẽ kịp thời giải quyết những tồn tại hiện nay và xây dựng một quy chuẩn chung, đồng bộ cho bộ phận một cửa các cấp
Đề án được đánh giá sẽ kịp thời giải quyết những tồn tại hiện nay và xây dựng một quy chuẩn chung, đồng bộ cho bộ phận một cửa các cấp

Sớm khắc phục những rào cản

Theo nhiều cán bộ cơ sở, việc thực hiện Đề án có thuận lợi khi đến thời điểm này, Hà Nội đã đề xuất phân cấp, ủy quyền 700 TTHC, đạt 39,17% tổng số TTHC cấp TP và cấp huyện, trong khi Thủ tướng chỉ giao 20%; đồng thời, nhiều đơn vị đã có sáng kiến trong giải quyết TTHC để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước: Mô hình “Ngày thứ sáu xanh”, “Ngày thứ ba không viết, không giấy hẹn”, “Các TTHC không chờ”…

Lãnh đạo UBND phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, việc UBND phường thực hiện “Các TTHC không chờ” đã giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, từ đó Đề án lần này với những đổi mới được áp dụng chắc chắn sẽ giúp BPMC hoạt động hiệu quả hơn, mang lại phấn khởi cho người dân.

Ghi nhận tại quận Long Biên, thực hiện Đề án của TP, ngay trong tuần sau Phòng Nội vụ có văn bản, họp quán triệt triển khai các nội dung đến toàn bộ phường trên địa bàn. Theo Trưởng Phòng Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hằng, đây là đề án về mô hình BPMC mới nên trước tiên cần thống nhất về nhận thức thì triển khai trong thực tế mới chuẩn xác, đồng bộ.

Đặc biệt, bà Hằng cho rằng, việc triển khai Đề án này rất thuận tiện cho các quận, huyện để có thống nhất chung, song trên cơ sở Đề án, các quận, huyện có thể chủ động triển khai một số mô hình mới, hoàn thiện dần. Quận Long Biên cũng muốn áp dụng một số mô hình đang triển khai rất tốt ở các địa phương. Chẳng hạn, nếu triển khai mô hình "Văn phòng khu vực" thì một số TTHC thực hiện sẽ giảm tải được nguồn nhân lực và tập trung hơn cho cơ sở.

Như ở quận Long Biên, có phường Cự Khối tiếp nhận không nhiều TTHC nhưng có những phường rất quá tải, nhưng các BPMC đều phải bố trí 2 - 3 người; trong khi ở Hoàn Kiếm có một phường chỉ bố trí được một công chức tiếp nhận toàn bộ TTHC. "Với những điểm mới trong Đề án, cần có giải pháp cụ thể để đáp ứng đặc thù từng quận, huyện và có cải tiến, áp dụng trong thực tiễn thì sau khi triển khai Đề án 1 - 2 năm sẽ đánh giá, hoàn thiện các mô hình và sẽ rất hiệu quả"- bà Nguyễn Thị Thu Hằng bày tỏ.

 

“Một bất cập hiện nay là thủ tục thực hiện bảo trì, nâng cấp thiết bị máy móc cho BPMC còn rườm rà, đặc biệt chưa có quy chế phân cấp, ủy quyền nên khi thiết bị hỏng thì việc sửa chữa gặp khó khăn. Cơ quan chức năng cần quan tâm sớm tháo gỡ cho cơ sở”.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa

Chủ tịch UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thùy Dương cho hay, thực tế cơ sở vật chất BPMC phường luôn được quan tâm. Nhất là thái độ, phong cách phục vụ của CBCC được lãnh đạo thường xuyên quán triệt, quy trách nhiệm rõ ràng, nếu có phản ánh của công dân mà lãnh đạo có mặt ở trụ sở thì sẽ xử lý ngay, không đợi đến hôm sau, nhằm chấn chỉnh kịp thời. UBND phường thực hiện đúng nguyên tắc luôn có một lãnh đạo trực tại UBND để ký xác nhận hồ sơ. Mỗi ngày BPMC tiếp nhận giải quyết mấy chục hồ sơ (chủ yếu chứng thực), để tránh người dân phải đi lại nhiều, phường đã yêu cầu CBCC tiếp nhận trình lãnh đạo ký ngay, người dân chỉ chờ tại chỗ mấy phút là nhận kết quả.

"Dù vậy, để phân cấp một số nội dung, nhất là mới đây nhận thêm 21 TTHC, cấp phường cơ bản sẽ đáp ứng được, nhưng cũng gặp một số khó khăn. Đặc biệt trong chứng thực hồ sơ cho người nước ngoài, có thực tế để phân biệt bằng thật và bằng giả thì CBCC phường chưa từng được đào tạo. Người nước ngoài không có nhu cầu dịch thuật, chuyển từ bản nọ sang bản kia mà chỉ có nhu cầu công chứng đúng bản đó, trong khi CBCC chưa được tập huấn, vì chỉ chứng thực được cơ bản, chứ bằng đó là giả hay thật thì không thể biết, nên là một khó khăn lớn. Do đó, CBCC phường cần được đào tạo kỹ năng nhận biết những bằng cấp tiếng nước ngoài là đúng hay sai”- bà Nguyễn Thùy Dương kiến nghị.

Cũng theo lãnh đạo phường Bạch Mai, với những TTHC bổ sung mới triển khai thì CBCC chưa gặp vướng mắc lớn, song về lâu dài TP cần bổ sung cho BPMC cấp phường một công chức có chuyên ngành tư pháp nhiều hơn để tiếp nhận được hồ sơ, nhất là hiện nay sử dụng dữ liệu Quốc gia, đường truyền internet cung cấp cho các đơn vị còn gặp trục trặc. Có ngày quá nhiều hồ sơ dẫn đến tình trạng giải quyết chậm, muộn hoặc bị mất hồ sơ trên phần mềm, phía công dân cập nhật được dữ liệu rồi nhưng phía công chức mãi không nhận được hồ sơ.

Dù phường Bạch Mai đã dành riêng đường truyền internet tốc độ cao cho BPMC, song do phía nhà cung cấp, nếu có hồ sơ cần trả kết quả ngay trong ngày mà cáp internet bị hỏng, cán bộ không nhận được thông tin hiện lên từ phía người dân nên cũng không biết để gọi được họ để giải thích đang trục trặc do lỗi kỹ thuật…

“TP cần tuyên truyền đến người dân nhằm có chia sẻ trong những ngày xảy ra trục trặc đường truyền, tránh cho CBCC bị quy trách nhiệm, khi số TTHC phân cấp cho phường mới tăng thêm 20% (trước có hơn 100 TTHC). Cũng đề nghị TP sớm hoàn thiện phần mềm số hóa để cấp quận, phường triển khai”- bà Nguyễn Thùy Dương nêu.

 

Đề án của TP đưa ra Bộ nhận diện thương hiệu là điểm rất mới, hay. Trước đây mỗi quận, huyện một vẻ, nay có bộ nhận diện này thì công dân chỉ nhìn sẽ biết luôn là khu vực tiếp nhận giải quyết TTHC của cơ quan Nhà nước, thể hiện tính chuyên nghiệp, thống nhất cao trong cả hệ thống hành chính của TP.

Trưởng Phòng Nội vụ quận Long Biên Nguyễn Thị Thu Hằng