Nhưng không vì thế mà thấy bức bối, khó chịu, mà là cảm giác chờ đợi xen chút hân hoan. Sau mấy ngày mưa rét, trời đã hửng, nắng ấm hơn. Sướng nhất là các bạn trẻ, tha hồ xúng xính váy áo đẹp, thỏa thích “check in” để khoe dáng, chụp ảnh. Không cần phải trang trí quá cầu kỳ, “hữu xạ tự nhiên hương”, khu vực bờ Hồ để “mộc” thôi cũng đẹp lắm rồi, nay chỉ cần điểm thêm chút hoa, chút ánh sánh đã thật lung linh, quyến rũ. Đủ để níu những bước chân vốn đã quen thuộc hay du khách lần đầu đến đây bước thật chậm rãi, tận hưởng hơi thở ấm áp của mùa Xuân đang đến gần.
Bước vào khu vực phố cổ, đặc biệt là phố Hàng Mã, Hàng Đường, Lương Văn Can hay chợ Đồng Xuân nhộn nhịp từ sáng đến tối khuya. Phong bao lì xì, câu đối đỏ, đèn lồng, giấy dán trang trí, pháo giấy..., tất tần tật mọi đồ trang trí, trang hoàng nhà cửa vào dịp năm mới đều có ở đây. Người mua, kẻ bán đều tươi rói nụ cười. Những cửa hàng truyền thống, đậm chất Hà Nội như bánh chưng, giò lụa, mứt sen… cũng không lúc nào ngớt khách, thậm chí có nơi còn phải xếp hàng. Đúng là vui như Tết.
Rồi đến hoa. Các tuyến phố chính của Hà Nội, đâu đâu cũng ngập tràn sắc hoa. Các chợ hoa ở Thanh Xuân, Hà Đông, Sơn Tây cho đến Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa... tràn ngập đào, quất, lan. Những cúc, những hồng, ly từ Mê Linh chuyển về. Đào, quất từ dưới Thường Tín, Hưng Yên chuyển lên. Hoa lan, tulip từ Đà Lạt ra, mai vàng từ Sài Gòn. Người Hà Nội kỹ tính cũng phải trầm trồ trước muôn hoa đua sắc trong các khu chợ Xuân. Dù bận rộn đến đâu, gia đình nào cũng muốn dành một khoảng thời gian tìm về những phố, chợ hoa... để mua về cho ngôi nhà của mình hương sắc ngày Xuân chuẩn bị chào đón năm mới với những ước vọng mới. Bên cạnh những chợ hoa vốn rất quen thuộc như Quảng Bá, Hàng Lược rực rỡ với “tông” màu hồng chủ yếu của hoa đào, phố Hoàng Hoa Thám lại hút mắt người xem hơn cả với những loại cây, hoa đủ màu sắc, tấp nập khách tới ngắm và mua cây. Đi dọc phố Hoàng Hoa Thám có thể thấy hàng dài hai bên đường là những cửa hàng cây cảnh, những xe hoa bán rong… kéo dài tới tận đoạn giao với đường Văn Cao. Những chậu cây hoa, cây cảnh nhiều màu sắc tô điểm thêm cho con phố này ngập tràn không khí và sắc màu của ngày Xuân khi Tết đang đến gần.
Không ồn ã, náo nhiệt, tất bật như nội thành, không khí ở ngoại thành lại có nhiều nét riêng thật đặc biệt, ấm cúng hơn, chan hòa hơn. Sau một quãng thời gian thay đổi trong việc sắm Tết, ăn Tết có phần “đô thị hóa”, bây giờ các làng quê đã “hút khách” trở lại bằng những hương vị, phong tục truyền thống, dân dã mà bình yên, mộc mạc nhưng đầy ấm áp. Ấy là “đụng lợn”, gói bánh chưng, giã giò… Ăn cũng được ít thôi, quan trọng hơn là “gỡ” được chút không khí Tết cổ truyền. Làng trên, xóm dưới đâu đâu cũng rộn ràng tiếng mời chào, lũ trẻ xúng xính quần áo đẹp thỏa sức nô đùa trên những con đường làng thảm bê tông sạch bong.
Trong cái phấn khởi của mỗi người, không thể không kể đến niềm vui chung của TP với nhiều thành tựu nổi bật trong năm qua. Tổng kết lại, mới thấy số lượng đầu việc Hà Nội làm được thật đáng tự hào, tạo sức lan tỏa rõ nét trong đời sống Nhân dân Thủ đô. Dù phải tiến hành cùng lúc với rất nhiều công việc quan trọng như đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, rồi tinh giản biên chế, nhưng kinh tế Thủ đô vẫn giữ nhịp tăng trưởng, thậm chí là cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp hơn. Khu vực nông thôn tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ khi được cộng thêm trên 50 xã nông thôn mới. Dù còn việc này, việc kia chưa hài lòng, nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng rất cao của Thủ đô trong năm Bính Thân.
Cũng như các Táo về chầu trời mỗi dịp cuối năm để báo cáo kết quả công việc, chúng ta cũng ôn lại những kết quả năm cũ để thấy thêm lạc quan hơn, đồng thời cũng là động lực để mỗi người dân đồng thuận cùng xây dựng Thủ đô vững bước trên con đường phát triển. Thêm một mùa Xuân mới lại về với bao ước vọng, riêng có, chung có, giản dị xen lẫn lớn lao. Cứ tạm khép lại, để cùng nhau đón Tết thật vui, thật hạnh phúc và chuẩn bị cho một khởi đầu mới với hy vọng, với niềm tin.