Nhưng NATO có vượt qua được các thách thức, nhất là sau khi nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Câu hỏi lớn này sẽ được các nhà lãnh đạo của 28 nước thành viên NATO tìm lời giải đáp tại cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày (8 - 9/7) ở Warsaw (Ba Lan). Theo đó, 3 vấn đề lớn được đặt lên bàn nghị sự gồm: Tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của NATO; thúc đẩy sự ổn định bên ngoài biên giới của khối; mở rộng hợp tác đối phó với khủng hoảng hậu Brexit. Thách thức phía Đông Chính sách mở rộng sự hiện diện sang sườn phía Đông của NATO đang khiến NATO mất nhiều hơn được. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã tiến hành 3 đợt Đông tiến với việc kết nạp hàng loạt nước thuộc Khối Warsaw như Ba Lan, Bulgaria, Séc, Slovakia, Hungaria, Romania và các nước Baltic như Estonia, Latvia. Bất chấp việc NATO điều thêm hàng triệu quân áp sát biên giới Nga, gia tăng sự hiện diện tại Biển Đen, chính các chuyên gia của liên minh này cũng phải thừa nhận quân đội Nga có thể chiếm các nước Baltic chỉ trong vài giờ. Tiềm lực quốc phòng của Moscow khiến các lãnh đạo của NATO nếu muốn kích hoạt Điều 5 Hiến chương của NATO - “tấn công một là tấn công tất cả” phải mất nhiều thời gian tính toán. Điều này đã được kiểm chứng khi NATO chỉ có thể đứng nhìn Nga sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Vì thế, việc NATO dự kiến chuyển từ chính sách “cố gắng không chọc giận” sang chính sách kiềm chế, ngăn chặn với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh lần này là một bước chuyển chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Kẽ hở sườn Nam Ở sườn phía Nam, NATO đang gặp thách thức chưa từng có với cuộc khủng hoảng di cư tràn vào khu vực Địa Trung Hải. Hy Lạp và Italia đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga - biện pháp mà NATO hy vọng sẽ làm suy giảm nguồn lực của Moscow. Còn Thổ Nhĩ Kỳ - đối tác chính, đồng minh thân cận thay thế Israel tại Trung Đông sau hơn 7 tháng đối đầu với Nga đã quay đầu “bắt tay” với Moscow bằng lá thư xin lỗi về vụ bắn rơi máy bay SU-24 của Nga cuối năm 2015. Việc một loạt quốc gia ở biên giới phía Nam NATO xích lại gần Nga khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng đối phó của khối trong kịch bản xảy ra xung đột. Ngay cả khi Mỹ thực hiện thành công cuộc cách mạng dầu đá phiến sét, tăng khả năng Washington “bỏ rơi chiến lược” khu vực Trung Đông, nguy cơ các mục tiêu lợi ích của NATO bị tấn công vẫn không hề chấm dứt. Vụ tấn công tại Paris, hàng loạt vụ đánh bom sân bay tại Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ là lời nhắc nhở rõ ràng nhất với NATO. Vì thế, cửa ngõ phía Nam - nơi các phần tử khủng bố trà trộn trong biển người di cư đang là một trong những mắt xích yếu nhất của khối do chính sách chưa rõ ràng của NATO. Các cam kết bảo vệ thành viên bằng kế hoạch tăng cường phòng thủ tập thể lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh không thể che lấp được những thách thức mà NATO đang phải đối mặt. Chính các nhà lãnh đạo NATO cũng thừa nhận rằng, nhiệm vụ tìm ra phương thức tối ưu bảo toàn lợi ích của thành viên khó có thể hoàn thành sau 2 ngày nhóm họp khi chỉ có vài quốc gia thực hiện cam kết chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Lực lượng NATO và các nước thành viên đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. |