Cùng mục tiêu là hướng tới thị trường trong nước với tiềm năng còn rất lớn nhưng “Hàng Việt chinh phục người Việt” do Bộ Công Thương phát động mới đây là bước chuyển mình mạnh về ý thức của các DN trong nước thay vì chỉ kêu gọi, vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Thực tế thời gian qua cho thấy, cùng với những nỗ lực kích cầu sử dụng hàng trong nước, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn và sử dụng các hàng hóa có xuất xứ, nhãn hiệu, thương hiệu trong nước; các DN cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm hàng hóa để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng không khó để có thể nhận ra những hạn chế khi nhiều sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng, giá cả cạnh tranh và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài. Trong khi nhiều DN chưa tích cực và chủ động tham gia cuộc vận động. Cùng với đó hoạt động đầu tư thông qua hình thức M&A (mua bán và sáp nhập) gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng DN Việt Nam khi không ít thương hiệu nội bị các tập đoàn lớn nước ngoài thâu tóm. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn lậu, mất ATVSTP có chiều hướng gia tăng. Thậm chí không ít sản phẩm chất lượng tốt của DN trong nước bị làm giả, làm nhái ở nước ngoài sau đó nhập lậu vào thị trường nội địa làm mất uy tín hàng nội. Vì thế bước chuyển “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” cho thấy đã đến lúc DN phải chủ động mà không còn bị động trong cuộc chơi trên sân nhà. Không chỉ chủ động về sản xuất, thiết kế những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng mà còn phải tìm hiểu rõ thị trường, tâm lý của người tiêu dùng, những phản hồi từ người sử dùng hàng hóa, dịch vụ để hoàn thiện mình. Thực tế năng lực và chất lượng sản phẩm Việt đã có nhiều thay đổi tích cực, bằng chứng là ngày càng nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường “khó tính”. Do đó, cơ hội để hàng Việt Nam tiêu thụ trong nước ngày càng rộng mở, nhưng vấn đề là phải làm thế nào để loại bỏ “những con sâu” làm hại đến uy tín của hàng Việt Nam.Điều này rất cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa từ cơ quan chức năng và ý thức ưu tiên dùng hàng Việt Nam của người dân; đặc biệt, cần tới vai trò, nỗ lực của DN trong việc chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm và quan trọng nhất là nắm bắt được thị hiếu cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Hơn nữa, các DN cần có nhiều biện pháp hơn để chung tay minh bạch hóa thị trường, chống lại nạn hàng giả, hàng nhái. Từ những hành động này, “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” mới chuyển mạnh thành “Hàng Việt chinh phục người Việt” từ tư duy tới cách làm.