Bước chuyển về chất của DNNN TP Hà Nội sau cổ phần hóa

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã cơ bản đạt mục tiêu của công tác sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) các DN Nhà nước (DNNN).

Nhưng một số DN sau CPH hoạt động chưa hiệu quả, chào bán cổ phần khó khăn…, đó là những vấn đề được chỉ ra qua đợt giám sát tình hình, kết quả hoạt động của DNNN TP Hà Nội sau sắp xếp, CPH của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP vừa qua.
Vẫn còn điểm vướng
Thống kê cho thấy, đến nay, Hà Nội đã có gần 300/490 DNNN thực hiện CPH. Riêng giai đoạn 2011 - 2015, TP đã thực hiện sắp xếp, đổi mới 71 DN, trong đó có 56 DN thực hiện CPH. Đồng thời, hoàn thành thoái vốn Nhà nước tại 51 DN với tổng giá trị thực tế bán được 1.654 tỷ đồng, tăng 874 tỷ đồng so với kế hoạch. Qua thực tế giám sát cho thấy, Hà Nội đã cơ bản đạt mục tiêu của công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước. Việc chuyển từ hình thức đơn chủ sở hữu sang đa chủ sở hữu tác động đến tâm lý cũng như quyền lợi của người lao động (NLĐ), lãnh đạo quản lý của chính DN, nên TP đã làm từng bước, không ồ ạt. Không để xảy ra kiện cáo trong quá trình CPH. Đến nay sau CPH, cái được lớn nhất là sự ổn định, nhiều DN có lãi hơn, bảo đảm việc làm cho lao động, có DN còn thu hút thêm lao động vào làm việc. Như tại các công ty CP do TP nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, năm 2015 tất cả đều kinh doanh có lãi, với tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 216 tỷ đồng….

Công ty CP Nhựa Hà Nội hoạt động tốt hơn sau cổ phần hóa. Ảnh: Minh Hiền

Là một trong những đơn vị CPH vào thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế (năm 2008), vốn Nhà nước vẫn chiếm 81,71%, nhưng Công ty CP Nhựa Hà Nội đã có sự tăng trưởng mạnh. Với chiến lược hoạt động rõ ràng, cải tiến công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, từ doanh thu bán hàng năm 2007 mới đạt hơn 150 tỷ đồng, đến năm 2015 đã lên hơn 900 tỷ đồng (tăng 6 lần). Sau CPH, tạo thêm việc làm cho trên 800 lao động, nộp ngân sách tăng 10 lần. Công ty CP Bến xe Hà Nội (quản lý 3 bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) cũng được đánh giá là hoạt động hiệu quả hơn sau CPH khi doanh thu năm sau cao hơn năm trước…
Trong quá trình giám sát, nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện CPH chính là cơ cấu lại sở hữu của DN với mong muốn tăng tính tự chủ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho NLĐ góp vốn, tăng thu nhập… Nhưng cũng bởi vẫn thiếu những quy định pháp lý, nên hiện vẫn đang loay hoay với mô hình quản lý phần vốn Nhà nước, đại diện chức năng quản lý. Điều đó khiến cho việc đạt được đồng thời tất cả các mục tiêu CPH là rất khó. Từ thực tế giám sát cho thấy, hiện có nhiều đơn vị sau CPH nhưng chưa họp được cổ đông. Vẫn còn những DN hầu như không chuyển về chất, chưa đạt được phương án CPH, thua lỗ kéo dài… 
Điển hình nhất được chỉ ra qua đợt giám sát là Công ty CP Cấp nước Sơn Tây, đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch đầu tiên của TP tiến hành CPH (năm 2010). Theo kế hoạch, số cổ phần chào bán chiếm 25%, nhưng không thu hút được nhà đầu tư, nên Nhà nước hiện vẫn nắm 95,6% cổ phần. Do giá bán nước sạch thấp nên doanh thu của Công ty chỉ đủ chi phí trực tiếp, còn chia cổ tức chưa được thực hiện. Việc thu hút đầu tư xã hội còn hạn chế dẫn đến DN không đa dạng được các loại hình kinh doanh. Việc này thực sự là rào cản, sau 5 năm thực hiện CPH, lợi nhuận của Công ty đạt thấp, chỉ ở mức 6,7%.
Tìm phương án tối ưu
Giai đoạn 2016 - 2020, ngoài việc thực hiện dứt điểm những đơn vị còn tồn tại của giai đoạn trước, TP tiếp tục CPH 16 DN, trong đó có 5 tổng công ty lớn; thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 96 DN... Một vấn đề được đoàn giám sát đặt ra là phải xác định rõ mô hình quản lý DN sau CPH. Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam, để đo đếm được chất lượng sau CPH, bản thân mỗi DN cần đánh giá cụ thể giá trị gia tăng sau CPH, phát huy mặt tích cực, khắc phục những bất cập, hạn chế. Chỉ khi phân tích, đánh giá kỹ tính tích cực; thực hiện minh bạch tài chính thì mới thu hút nhà đầu tư.
 Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai cũng cho rằng: “Cần thiết phải làm rõ tính hiệu quả sau CPH, vì qua giám sát thực tế chưa thấy một số DN khẳng định rõ được hiệu quả theo các tiêu chí cụ thể. Đặc biệt, khi đề nghị báo cáo phương pháp, cách thức minh bạch tài chính của DN, đoàn chỉ nhận được câu trả lời chung chung hoặc chưa trả lời ngay”.
Việc sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước tại các DN là yêu cầu và xu thế tất yếu đặt ra. Qua giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị, giai đoạn này, các DN cần CPH đều là các DN lớn, phức tạp, nhiều lao động, nên bước đi cần phải thận trọng. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đang đặt ra, TP cần giao cho các ngành chức năng đánh giá rõ hiệu quả kinh tế từng mục như lợi nhuận, tạo việc làm cho lao động, tính ổn định của đơn vị… sau CPH. Đồng thời, cần tìm mô hình quản lý vốn Nhà nước sau CPH, xác định đơn vị quản lý. Làm rõ lộ trình cụ thể từng đơn vị trong diện CPH, lưu ý đến tính đặc thù của từng đơn vị để có phương án CPH tối ưu.
Việc chuyển mô hình sở hữu rất phức tạp, liên quan đến quyền lợi kinh tế các bên liên quan. Chưa kể, Hà Nội vẫn đang loay hoay với mô hình quản lý phần vốn Nhà nước. Hiện đang có mô hình tổ quản lý phần vốn Nhà nước, nhưng thành viên tổ đồng thời cũng là cổ đông góp vốn, tham gia điều hành trực tiếp tại DN, nên rất dễ lấn vai, không rõ lúc nào ở vai đại diện Nhà nước, lúc nào đại diện cho cổ đông góp vốn.
 Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Công Bình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần