Không chỉ đem đến tiện ích cho người dân, thẻ vé điện tử liên thông còn là lời giải cho bài toán quản lý VTHKCC.
Lợi cho ba nhà
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, hiện mạng lưới VTHKCC của TP có 154 tuyến buýt, 1 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A, dự kiến cuối năm 2024 sẽ tiếp tục đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao tuyến ĐSĐT số 3.
Hiện phần lớn các tuyến buýt vẫn bán vé giấy, thu tiền mặt theo cách truyền thống, gây không ít khó khăn cho cả hành khách lẫn công tác quản lý. “Việc sớm triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt và ĐSĐT ở TP Hà Nội là rất cần thiết” - ông Nguyễn Phi Thường nói.
Thực vậy, nếu so sánh về tiện ích giữa tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông và một số tuyến xe buýt sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt. Để đi tàu điện, hành khách chỉ cần tự mua vé tại máy bán tự động, quẹt thẻ, lên tàu, trả thẻ tại điểm xuống. Cả quy trình tự động khép kín, mang đến cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người dân, hạn chế tối đa những rắc rối lặt vặt trong giao tiếp giữa khách và nhân viên bán vé.
Trong khi đó, để đi xe buýt với vé giấy truyền thống, người dân cần chuẩn bị tiền lẻ, mua vé, giữ vé để kiểm soát; khi xuống xe có thể vứt lại vé hoặc xả rác ra đường phố. Nhiều tình huống như: không có tiền lẻ, làm mất vé, xếp hàng dán tem vé tháng… có thể gây nên sự khó chịu nhất định với hành khách.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích: “Thẻ vé điện tử là một tiện ích thông minh, đem đến sự thoải mái, dễ chịu cho cả hành khách lẫn nhân viên phục vụ trên các phương tiện VTHKCC. Hơn nữa, nó còn là công cụ để quản lý doanh thu, điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ. Lợi cho cả ba nhà: quản lý, DN, và người dân”.
Thẻ vé điện tử liên thông sẽ giải quyết kịp thời các tồn tại, bất cập hiện nay, là cơ sở để TP Hà Nội triển khai các chính sách giá vé có tính ưu việt, hỗ trợ nhiều hơn cho hành khách trong tương lai, từ đó thu hút, gia tăng sản lượng hành khách sử dụng xe buýt. Việc thí điểm thẻ vé điện tử liên thông là tiền đề quan trọng cho việc triển khai đồng bộ hệ thống thẻ vé điện tử liên thông trên toàn mạng lưới VTHKCC nói chung và xe buýt nói riêng.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường
Một trong những điều kiện tiên quyết để có hệ thống VTHKCC hiện đại, văn minh là phải có thẻ vé điện tử liên thông, sử dụng một tấm vé cho toàn mạng lưới, dù là xe buýt, tàu điện hay bất cứ loại hình giao thông công cộng nào khác. Hướng tới mục tiêu đó, ngày 28/11 vừa qua,
Hà Nội đã đưa vào thí điểm thẻ vé điện tử trên 14 tuyến buýt có trợ giá, bước đầu nhận được phản hồi rất tích cực từ phía người dân.
Cải tiến đột phá
Anh Nghiêm Văn Công - nhân viên bán vé trên tuyến buýt số 02 Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa cho biết, việc áp dụng vé điện tử tiện lợi hơn hẳn. Nhân viên không phải chốt vé dọc đường; cuối ca không phải cộng trừ tính toán doanh thu vì máy đã tự báo về; không phải nộp lại cuống vé như trước, không lo mất mát, bị phạt...
“Trên xe, khi sử dụng vé điện tử khách hàng lấy vé nhanh và thuận tiện hơn nên hài lòng và dễ chịu hơn; họ rất ủng hộ. Đối với nhân viên bán vé, lúc đầu cũng bỡ ngỡ, nhưng khi đã thuần thục thì không có gì bất cập cả, ngược lại còn rất thuận tiện” - anh Nghiêm Văn Công nói.
Chị Lê Thùy Linh (huyện Đông Anh) chia sẻ: “Sử dụng vé điện tử rất tiện, đi được nhiều tuyến mà chỉ cần một vé; không sợ mất, không phải lo bỏ đúng chỗ khi xuống xe”.
Ông Phạm Bằng Trình (quận Đống Đa) nhận định: “Bây giờ mình triển khai thẻ vé điện tử là còn chậm, đặc biệt với tuyến xe buýt BRT 01. Cải tiến đột phá như thế này vừa giúp Nhà nước quản lý được doanh thu xe buýt; vừa giúp hành khách không bị ùn ứ khi qua cửa soát vé”.
Vị khách này cũng cho hay, ban đầu hầu hết hành khách đều bỡ ngỡ, nhất là người cao tuổi không quen sử dụng công nghệ hiện đại. Nhưng về lâu dài, thẻ vé điện tử sẽ phổ biến trong mọi lứa tuổi, thành phần khách hàng của VTHKCC bởi nó rất dễ sử dụng và thuận tiện.
Bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, sau một tuần hệ thống vé điện tử liên thông đưa vào vận hành đã được người dân đón nhận với những phản hồi rất tích cực. Hệ thống cũng đã đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan quản lý.
Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng TP đã bố trí người hướng dẫn hành khách sử dụng thẻ vé điện tử liên thông tại tất cả các nhà chờ tuyến buýt BRT 01. Đồng thời, trung tâm đang cho dựng bảng điện tử, video clip hướng dẫn trực quan việc sử dụng thẻ vé điện tử để phát tại nhà chờ xe buýt BRT.
Việc sử dụng thẻ vé điện tử liên thông cho riêng xe buýt hay tàu điện không khó. Quan trọng là phải kết nối được các loại hình này với nhau. Mỗi người dân chỉ cần sử dụng một thẻ để đi tàu điện, xe buýt, hay thuê xe đạp công cộng… Đạt được mức độ thuận tiện đó, hệ thống VTHKCC của Hà Nội sẽ dễ dàng chiếm lĩnh thị phần vận tải, góp phần đẩy xe cá nhân ra khỏi mạng lưới giao thông đô thị.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung
Sau 14 tuyến buýt thí điểm sử dụng thẻ vé điện tử liên thông từ ngày 28/11, sẽ có thêm 10 tuyến buýt dự kiến triển khai loại hình này trong tháng 12.
“Chúng tôi đang cho vận hành thử Thẻ vé điện tử trên 10 tuyến đó để hiệu chỉnh lại toàn bộ những lỗi kỹ thuật. Giai đoạn thí điểm dự kiến là kéo dài trong vòng 9 tháng” - bà Trần Thị Phương Thảo nói.
Thực sự “liên thông”
Bên cạnh những thành công ban đầu, lãnh đạo Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội cũng cho biết còn những khó khăn nhất định trong việc thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử liên thông.
Ví dụ như việc sử dụng đồng xu token để đi xe buýt nhanh BRT còn khá bỡ ngỡ đối với hành khách nên vẫn còn hiện tượng ùn ứ trong giờ cao điểm tại một số các nhà chờ của tuyến BRT.
Mặt khác, bước đầu triển khai hệ thống thẻ vé với thiết bị kiểm soát hiện đại cũng phần nào khiến nhân viên bán vé trên một số tuyến buýt bối rối. Bà Trần Thị Phương Thảo chia sẻ: “Giai đoạn đầu chưa đổi được toàn bộ vé giấy sang vé điện tử, vẫn phải sử dụng song song cả hai loại hình. Nên nhân viên phục vụ trên xe buýt gặp phải những khó khăn nhất định”.
Sau này toàn bộ hệ thống VTHKCC đều sẽ sử dụng thẻ vé vé điện tử liên thông, kể cả vé miễn phí cho người cao tuổi. Thời gian tới sẽ tiếp tục áp dụng thêm vé ảo, mỗi một người dân khi tham gia VTHKCC, ngoài việc là sử dụng vé vật lý, nếu có nhu cầu sẽ được cấp tài khoản vé để sử dụng trên thiết bị di động có kết nối mạng. Đây cũng là tài khoản giao thông, thẻ giao thông thông minh của mỗi cá nhân.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội Trần Thị Phương Thảo
Về phía Sở GTVT Hà Nội đang chuẩn bị báo cáo UBND TP cho xây dựng chính sách vé điện tử liên thông toàn hệ thống VTHKCC, bổ sung nhiều hình thức vé. Tiến tới vé điện tử sẽ sử dụng được cả trên xe buýt lẫn các tuyến ĐSĐT. Ví dụ như đồng xu token hiện đang thí điểm trên xe buýt BRT sẽ sử dụng được cho cả tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Các loại hình vé tháng, vé liên tuyến, vé miễn phí xe buýt sẽ sử dụng được trên tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, đưa thẻ vé điện tử liên thông vào thí điểm trên một số tuyến xe buýt là bước ngoặt quan trọng đối với hệ thống VTHKCC của Hà Nội. Tuy nhiên để thẻ vé thực sự liên thông, còn cần rất nhiều nỗ lực và thời gian.
“Hệ thống kiểm soát vé của xe buýt, tàu điện khác nhau, giữa các tuyến ĐSĐT cũng có khác biệt về công nghệ. Làm sao để “đấu nối” được tất cả vào một tấm thẻ vé chung là không hề dễ dàng. Nhưng nếu không làm được thì không thể liên thông các loại hình VTHKCC, tạo nên dịch vụ thuận tiện, ưu việt nhất cho người dân” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.