Các công trình kiến trúc này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với người dân và gây khó khăn trong quản lý đô thị.
Những ngôi nhà có hình dáng méo mó, lệch lạc thường được xây dựng trên các lô đất có diện tích không đủ tiêu chuẩn hoặc nằm ở vị trí không thuận lợi, thường là sau những dự án mở rộng hạ tầng giao thông hay quy hoạch đô thị không đồng bộ. Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 61/2024/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 7/10/2024.
Đây được đánh giá như một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giải quyết tận gốc vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, nhằm mục tiêu xây dựng diện mạo đô thị văn minh và hiện đại hơn. Quyết định này đưa ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm hạn chế và xử lý triệt để các công trình nhà siêu mỏng, siêu méo. Một trong những điểm nổi bật là việc quy định rõ ràng các tiêu chí và điều kiện về diện tích, hình dáng đất được phép xây dựng. Đồng thời, quyết định này cũng tăng cường kiểm soát và sáng tạo các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hình thành các công trình sai phạm ngay từ giai đoạn cấp phép xây dựng.
Theo quyết định, các khu vực quy hoạch mới cần “đi trước một bước” trong việc lường trước và giải quyết vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo bằng các biện pháp như quy hoạch đồng bộ, phân chia lô đất phù hợp và lập quy hoạch chi tiết. Điều này giúp hạn chế tối đa việc phát sinh các lô đất không đủ điều kiện xây dựng trong các dự án hạ tầng giao thông mới.
Ngoài ra, quyết định cũng nhấn mạnh sự cần thiết của sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và cộng đồng dân cư trong việc giám sát và thực thi các biện pháp quản lý xây dựng.
Công tác thanh tra, kiểm tra xây dựng cần được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên hơn để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm ngay từ khi chúng mới phát sinh. Quyết định 61/2024/QĐ-UBND cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân trong việc cải tạo hoặc di dời những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, bảo đảm quyền lợi của người dân và sự tuân thủ quy hoạch đô thị. Điều này giúp tạo ra đồng thuận và ủng hộ từ phía người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của TP.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng, những quyết sách nêu trên được thực thi quyết liệt, đồng bộ sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong bộ mặt đô thị của TP Hà Nội. Qua đó, vừa bảo đảm tính mỹ quan đô thị, vừa tiện nghi và an toàn cho cuộc sống người dân, đóng góp vào mục tiêu lớn hơn là phát triển Hà Nội trở thành một TP đáng sống, văn minh và hiện đại.
Việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo không chỉ là trách nhiệm của riêng một đơn vị hay một cá nhân, mà đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Chính từ những nỗ lực bền bỉ và sáng tạo trong chính sách quản lý, đô thị Hà Nội sẽ dần trở thành một hình mẫu lý tưởng về phát triển bền vững và hài hòa trong tương lai.