3 xã đủ điều kiện về đích nâng cao, kiểu mẫu
Sau khi về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ, chính quyền 3 xã: Yên Thường, Trung Mầu, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), với sự đồng thuận của nhân dân, đã sớm xây dựng kế hoạch, bắt tay vào thực hiện các bước để phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ tịch UBND xã Yên Thường Nguyễn Thọ Sáng cho biết, cấp uỷ, chính quyền địa phương xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; phân công cán bộ, công chức thực hiện rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên tổ chức giao ban, để theo dõi tiến độ, lắng nghe khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để kịp thời tháo gỡ.
Với sự vào cuộc chủ động của các cấp uỷ, chính quyền, đặc biệt là sự ủng hộ của các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân, 3 xã: Yên Thường, Trung Mầu, Ninh Hiệp đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để triển khai các dự án nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội. Diện mạo nông thôn mới nâng cao tại các địa phương có nhiều đổi thay tích cực.
Căn cứ Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội và Hướng dẫn số 227, 228 của Sở NN&PTNT Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới 3 xã nêu trên đã tiến hành tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. UBND huyện Gia Lâm đã tiến hành thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt chuẩn của 3 địa phương theo quy định.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, theo kết quả thẩm tra, 2 xã Yên Thường, Trung Mầu đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đối với xã Ninh Hiệp, kết quả đánh giá của đoàn thẩm tra huyện cũng thống nhất địa phương này đủ điều kiện về đích nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực: an ninh trật tự và văn hoá.
Nông thôn mới “không có điểm dừng”
Trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Gia Lâm, ngày 23/11, Đoàn thẩm định TP Hà Nội đã tiến tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá, chấm điểm nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại 3 xã: Yên Thường, Trung Mầu, Ninh Hiệp. Các thành viên đoàn đều đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới tại 3 địa phương.
“Trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, cả 3 xã đều không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Đặc biệt, thành quả chung nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua kết quả lấy phiếu về sự hài lòng của MTTQ các cấp…” - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Kim Hồng cho biết.
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, từ khi bắt tay vào triển khai, TP luôn xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Ngày mai lên quận, hôm nay vẫn phải xây dựng nông thôn mới.
“Chúng ta xây dựng nông thôn mới không phải vì thành tích, mà bởi mong muốn không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đây cũng là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt của Chương trình số 02-CTr/TU giai đoạn trước và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” - ông Ngọ Văn Ngôn nhấn mạnh.
Đại diện Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đề nghị 3 xã: Yên Thường, Trung Mầu, Ninh Hiệp tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo đóng góp ý kiến của các thành viên đoàn thẩm định TP; làm cơ sở để trình UBND TP Hà Nội xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2023.
Thời gian tới, song song với triển khai xây dựng để phấn đấu phát triển các xã thành phường theo định hướng chung của TP, huyện Gia Lâm cần tiếp tục huy động sự tham gia của người dân để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, quan tâm, rà soát, huy động nguồn lực đầu tư cho các xã nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Tính đến nay, huyện Gia Lâm đã có 15 xã về đích nông thôn mới nâng cao. Huyện phấn đấu hoàn thành 5 xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023 (ngoài 2 xã: Yên Thường, Trung Mầu còn 3 xã khác gồm: Dương Quang, Kim Sơn, Đông Dư). Cùng với xã Ninh Hiệp, huyện cũng đang phấn đấu hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Bát Tràng.